Bão vũ trụ rộng 1.000km xoay tròn phía trên Bắc Cực
Quan sát vệ tinh giúp các nhà nghiên cứu xác nhận sự tồn tại của bão vũ trụ, khối plasma khổng lồ trút electron xuống tầng thượng quyển của Trái đất.
Nhóm nhà khoa học đứng đầu là Đại học Sơn Đông ở Trung Quốc quan sát cơn bão khổng lồ thông qua vệ tinh hôm 20/8/2014. Họ phân tích dữ liệu vệ tinh để xây dựng hình ảnh 3D của hiện tượng ở tầng điện ly của Trái đất, nơi khí quyển hành tinh tiếp giáp với khoảng không vũ trụ. Các nhà nghiên cứu phát hiện khối plasma xoay tròn hoạt động rất giống gió bão trên Trái đất. Nhưng khác với bão nhiệt đới ở bề mặt Trái đất, bão vũ trụ trút mưa electron xuống thay vì trút nước.
Hình ảnh 3D của khối plasma. (Ảnh: PA).
Cơn bão vũ trụ trải rộng 1.000km phía trên Bắc Cực xoay ngược chiều kim đồng hồ rất giống bão nhiệt đới ở Bắc bán cầu, và kéo dài gần 8 giờ trước khi tan rã. Vùng trung tâm của cơn bão khá tĩnh lặng, tương tự phiên bản trên Trái đất. Nó cũng có nhiều nhánh xoắn ốc và lưu thông rộng.
Bão vũ trụ có nhiều ảnh hưởng quan trọng đến hiệu ứng thời tiết không gian như gia tăng lực cản vệ tinh, nhiễu loạn liên lạc vô tuyến tần số cao và tăng lỗi ở radar vượt đường chân trời, định vị vệ tinh và hệ thống liên lạc. Theo nghiên cứu công bố hôm 26/2 trên tạp chí Nature Communications, quá trình vận động của bão vũ trụ cũng giữ vai trò thiết yếu trong tương tác giữa gió sao và nhiều hệ thống khác trên Mặt trời.
Thời tiết vũ trụ trở thành trọng tâm nghiên cứu từ những năm 1950 do sự ra đời của công nghệ vệ tinh và những cơn gió vũ trụ đầu tiên được quan sát vào cuối thập kỷ. Giới nghiên cứu cho rằng bão vũ trụ cũng có thể xảy ra gần các hành tinh khác và mặt trăng có từ trường và plasma. Plasma là trạng thái vật chất trong đó một loại khí trở nên nóng tới mức những nguyên tử của nó tách thành electron và ion chuyển động độc lập, dễ dàng bị ảnh hưởng bởi tác động như lực hút và đẩy của từ trường Trái đất.
"Trước đây, chúng tôi thậm chí không chắc chắn bão plasma vũ trụ có tồn tại hay không, việc chứng minh được điều này bằng dữ liệu quan sát thật ấn tượng. Bão nhiệt đới gắn liền với nguồn năng lượng khổng lồ, còn bão vũ trụ chắc chắn hình thành từ quá trình năng lượng gió mặt trời và hạt tích điện di chuyển nhanh và nhiều vào tầng thượng quyển của Trái đất", Mike Lockwood, giáo sư vật lý môi trường vũ trụ ở Đại học Reading, cho biết.

Tổng quan về sao Thiên Vương
Sao Thiên Vương là hành tinh thứ bảy tính từ Mặt Trời; là hành tinh có bán kính lớn thứ ba và có khối lượng lớn thứ tư trong hệ.

Tìm hiểu về tia gamma và chớp gamma
Tia gamma (kí hiệu là γ) là một loại bức xạ điện từ hay quang tử có tần số cực cao.

Phát hiện thêm "ngôi nhà tương lai" cho loài người
Trong hành trình khám phá vũ trụ và tìm kiếm các hành tinh có khả năng sống, các nhà khoa học đã phát hiện ra một hành tinh đáng chú ý mang tên Gliese 667C c.

Trái đất sẽ bị huỷ diệt vào năm 2029 hay 2036?
Nhiều nhà nghiên cứu tin rằng một tiểu hành tinh có thể va chạm vào Trái đất vào bất cứ lúc nào. Và các số liệu thống kê cho thấy rằng một thiên thể to cỡ quả bóng đá hoàn toàn có khả năng huỷ diệt sự sống trên trái đất

Hành tinh "siêu Trái Đất" có thể chứa sự sống
Một ngoại hành tinh ở cách 111 năm ánh sáng có thể là phiên bản lớn của Trái Đất với những điều kiện phù hợp cho sự sống.

Màu sắc thực sự của Mặt trời là gì?
Con người thường thấy Mặt Trời màu vàng nhưng thực chất, ngôi sao này phát ra ánh sáng mạnh nhất màu xanh.
