Bất ngờ phát hiện hóa thạch khoảng 200 triệu năm tuổi tại Gia Lai
Mẫu ảnh và thông tin được gửi đến các nhà địa chất và khảo cổ học nhờ thẩm định. Đây chính là những hóa thạch Cúc đá - tên một nhóm các loài sinh vật biển thân mềm đã bị tuyệt diệt. Tuổi của những hóa thạch này có thể dao động ở mức 200 - 150 triệu năm cách ngày nay.
Khu vực phát hiện các hóa thạch Cúc đá tại bờ sông buôn Tơnia, xã Chư Gu, huyện Krông Pa (Gia Lai). Ảnh: Quang Tuệ (Sở VHTTDL tỉnh Gia Lai).
Theo đó, khu đất bên sông buôn Tơnia, xã Chư Gu, huyện Krông Pa có khoảng 30 dấu tích của những vật thể chưa xác định. Một số hiện vật đã bị nước cuốn trôi, trơ lại trên nền đất những hố lõm tròn. Một số khác bị mưa gió, sóng nước bào mòn, chỉ còn phần đáy, cong vòm như đáy chảo nhỏ trồi hẳn lên mặt đất. Tuy nhiên, đa số các vật thể loại này vẫn còn chìm trong đất, chỉ lộ thiên phần vật chất cứng nhất, bề mặt đo được có đường kính 20 - 30cm.
Mật độ hiện vật khá dày, có nơi chúng nằm cạnh nhau, nhưng không theo một trật tự nhất định. Nhiều khả năng các hiện vật này xuất lộ là do những năm qua, bờ sông Ba phía xã Chư Gu bị lở, khiến chúng bị nước cuốn trôi hoặc bào mòn.
Các hóa thạch Cúc đá được tìm thấy tại Gia Lai. Ảnh: Quang Tuệ (Sở VHTTDL tỉnh Gia Lai)
Ông Nguyễn Quang Tuệ đã chụp ảnh, đào thám sát một hiện vật sát mép nước và gửi những thông tin này đến các chuyên gia về địa chất, khảo cổ học trong nước.
Theo Tiến sĩ Phúc, việc phát hiện các hóa thạch Cúc đá ở phía nam tỉnh Gia Lai, tiếp tục củng cố thêm nhận định đã có từ trước: Tây Nguyên từng là biển.
Cận cảnh hóa thạch Cúc đá. Ảnh: Quang Tuệ (Sở VHTTDL tỉnh Gia Lai)
Trước đó, hóa thạch Cúc đá đã được tìm thấy ở một số tỉnh như Cao Bằng, Đắk Nông... nhưng đây là lần đầu tiên, loại hiện vật có niên đại xa xưa này được phát hiện tại Gia Lai.
Cùng với những thông tin mới về khảo cổ học đá cũ và gỗ hóa thạch ở huyện Phú Thiện, thị xã Ayun Pa (Gia Lai) được công bố gần đây, hóa thạch Cúc đá ở huyện Krông Pa sẽ bổ sung, làm phong phú thêm bản đồ di sản địa chất và khảo cổ học tỉnh Gia Lai ở khu vực này.
Các Cúc đá nói trên không có giá trị về kinh tế mà chỉ có giá trị về mặt di sản địa chất, phục vụ quá trình nghiên cứu khảo cổ học. Chính quyền địa phương khuyến cáo người dân không nên nghe các thông tin thất thiệt, đào bới, phá vỡ nguyên trạng cấu trúc hóa thạch trên.
Theo kế hoạch của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai, sắp tới, đơn vị sẽ phối hợp với chính quyền địa phương có biện pháp quây vùng bảo tồn những Cúc đá hóa thạch này để phục vụ nghiên cứu khoa học, giáo dục và du lịch địa phương.