Bí ẩn "bào thai rồng" ở Trung Quốc đã có lời giải
Đầu thập niên 1990, các nhà khoa học đã tìm thấy tại tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) một ổ trứng khủng long vỏ dày cứng, bên trên có một phôi thai hóa thạch không rõ chủng loài.
Theo RT, số trứng và phôi thai này từng nằm lẫn trong các phiến đá cổ bị buôn lậu, song cuối cùng đã được trao trả lại cho chính quyền. Ổ trứng cùng với bào thai, được đặt tên là "bào thai rồng", đã nổi tiếng khắp thế giới sau khi xuất hiện trên bìa tạp chí National Geographic năm 1996.
Một quả trứng khủng long hóa thạch.
Quả trứng khổng lồ này là một trong số những hóa thạch trứng lớn nhất từng được phát hiện, có bề ngang 45cm, nặng 5kg.
Tuy nhiên từ thời điểm đó, nhóm nhà nghiên cứu của ba nước Trung Quốc, Canada, Slovakia vẫn chưa xác định được bố mẹ của bào thai khủng long này là loại gì do không tìm thấy xương của con vật trưởng thành nào gần đó.
Mãi mới đây, trong công bố trên tạp chí Nature Communications ngày 9/5, giới khoa học mới kết luận được giống loài thực sự của "bào thai rồng" là một con khủng long khổng lồ, có thể nặng tới 3 tấn và dài 8 mét.
Hình ảnh mô phỏng loài Beibeilong sinensis khi trưởng thành.
Thông qua các mảnh trứng vỡ và xương của một bào thai khác bị chết trong quá trình đẻ trứng, "bào thai rồng" được xác định thuộc nhóm oviraptorosaurs (thằn lằn ăn trộm trứng), có tên gọi Beibeilong sinensis, từng sinh sống trên Trái Đất gần 90 triệu năm trước.
Mặc dù Beibeilong có lông vũ, cánh và mỏ nhưng các nhà khảo cổ tin rằng con vật này không bay được vì kích cỡ to lớn và cân nặng "khủng" của nó.