Bí ẩn huyền thoại ma cà rồng Ba Lan từ thế kỷ 17 lần đầu tiên được hé lộ
Trong thế kỷ 17 - 18, người dân phía Bắc Ba Lan đã duy trì một tập tục chôn cất khá kỳ lạ, giống như họ muốn ngăn người chết sống lại.
Trong lịch sử thế giới, khái niệm quỷ hút máu - hay ma cà rồng hoặc "vampire" đã xuất hiện trong rất nhiều nền văn hóa, đặc biệt là với văn hóa châu Âu.
Và tại Ba Lan cũng có một truyền thuyết như vậy. Theo các bằng chứng khảo cổ học thì trong thế kỷ 17 - 18, dường như cư dân tại Ba Lan có một thủ tục chôn cất người chết hết sức kỳ lạ. Thi thể thời kỳ bị chèn thêm một tảng đá lớn, hoặc đặt một lưỡi hái ngang ngực...
Người xưa chèn một lưỡi hái ngang ngực thi thể...
Đây vốn là cách ngăn người chết đội mồ và biến thành ma cà rồng. Tuy nhiên, nếu xét trên góc nhìn khoa học thì hiển nhiên là chẳng có ma cà rồng nào cả. Vấn đề là vì sao những thi thể trong thời kỳ này lại khiến người sống sợ hãi đến mức cho rằng họ chính là quỷ hút máu?
Đã có rất nhiều giả thuyết được đưa ra về cách chôn cất kỳ lạ này. Trong đó phổ biến nhất là số ma cà rồng này vốn là người lạ đến từ nơi khác, khiến dân làng nghi ngờ và quyết định "xử lý".
Tuy nhiên cho đến năm 2014, vẫn chưa có bất kỳ nghiên cứu nào được thực hiện về nghi lễ này, cũng như các thi thể được cho là "ma cà rồng".
Vậy là các chuyên gia từ ĐH Nam Alabama (Mỹ) đã quyết định đứng ra làm điều đó. Cụ thể, nghiên cứu đã khám nghiệm 6 bộ xương trong một ngôi làng tại phía Bắc Ba Lan. Cả 6 bộ xương này được chôn theo nghi thức kỳ lạ ấy, trong khi xung quanh là hàng trăm mộ phần bình thường khác.
Hoặc đặt thêm một tảng đá lớn trên ngực để không cho xác chết đội mồ sống dậy.
Các chuyên gia đã đo tỉ lệ đồng vị nguyên tố stronti có trong xương hàm, rồi so sánh với xương người bình thường. Stronti là nguyên tố có trong các loại đá, nhưng tỉ lệ sẽ thay đổi tuỳ vào nguồn gốc. Có nghĩa, bằng cách đo stronti, chúng ta sẽ biết được bộ xương đến từ đâu, có thuộc cùng khu vực hay không.
Và kết quả đưa ra thật đáng ngạc nhiên: tất cả các thi thể "ma cà rồng" thực chất không phải người lạ, mà chính là người trong cùng làng. Và nếu như vậy thì cái chết và cách chôn cất của họ lại càng chìm vào bí ẩn.
Lesley Gregoricka - chủ nhiệm nghiên cứu có đưa ra một số giả thuyết. Họ nghiêng về hướng cho rằng những người này chết vì dịch tả - dịch bệnh nguy hiểm tại Đông Âu trong thế kỷ 17. Và theo quan niệm của người thời đó, người chết vì bệnh sẽ quay trở lại, khiến người sống mắc bệnh theo, giống như ma cà rồng.
"Con người thời đó không hiểu được vì sao dịch bệnh lại lan truyền. Thay vì các lý giải khoa học, tất cả dịch bệnh gây chết bất thường đều được quy về các hiện tượng siêu nhiên - và trong trường hợp này là ma cà rồng" - Gregoricka cho biết.
Dù chỉ là giả thuyết, nhưng nghiên cứu đã đem lại một cái nhìn khác về văn hóa của người châu Âu trong xã hội cũ. Ngoài ra, đây có thể là khởi đầu cho việc lý giải một số tập tục xưa kia, chẳng hạn như tục thiêu sống phù thủy từng rất phổ biến tại Italy.