Bình Dương có nhà máy biến rác thải thành gạch, phân bón
Với nguồn rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp tưởng như không có giá trị nhưng tỉnh Bình Dương đã biến rác thành "tài nguyên" để chế biến thành năng lượng và các sản phẩm có giá trị.
Ngày 10/1, UBND tỉnh Bình Dương đã đưa vào vận hành khu liên hợp xử lý chất thải Bình Dương với khả năng tiếp nhận và xử lý 3.000 tấn rác sinh hoạt và hơn 1.000 tấn rác công nghiệp/ngày.
Hệ thống máy phát điện hoạt động từ việc thu gom khí từ rác thải đã được đưa vào hoạt động tại Bình Dương - (Ảnh: BÁ SƠN).
Đây là dự án xử lý rác thải lớn nhất tại Bình Dương được xây dựng chủ yếu từ nguồn vốn vay ODA với quy mô tương đương 30,5 triệu USD (hơn 600 tỷ đồng).
Điều đáng chú ý, ngoài việc thu gom và xử lý rác thải, khu liên hợp xử lý chất thải của tỉnh Bình Dương còn được đầu tư nhiều công nghệ mới để biến rác thải thành nguồn nguyên liệu tạo ra sản phẩm có giá trị.
Trong dự án có nhà máy tái chế rác sinh hoạt làm phân bón với công suất 840 tấn/ngày; tái chế tro, bùn thải sản xuất gạch công suất 2.000m3/ngày; tái chế bùn thải cấp nước để sản xuất gạch với công suất 100 tấn/ngày...
Đặc biệt, đối với phần rác thải không thể tái chế thì vẫn có thể tận dụng bằng cách thu gom khí để tạo ra hệ thống máy phát điện với công suất lên tới 2.000kvA.
Ông Trần Thanh Liêm - phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - cho biết Bình Dương là tỉnh phát triển công nghiệp rất mạnh nên đã sớm chủ động xây dựng hệ thống xử lý rác thải tập trung. Việc coi "rác thải là một loại tài nguyên" nhằm tái chế, tận dụng rác để vừa góp phần đảm bảo môi trường vừa tiết kiệm chi phí.