Brazil dùng tia phóng xạ triệt sản muỗi chặn virus Zika
Brazil lên kế hoạch ngăn chặn sự lây lan của virus Zika bằng cách dùng tia gamma gây vô sinh hàng triệu con muỗi đực.
"Đó là một phương pháp kiểm soát sinh sản, tương đương với phương pháp kế hoạch hoá gia đình ở người" – Kostas Bourtzis, một nhà sinh học phân tử tại phòng thí nghiệm kiểm soát côn trùng gây hại của IAEA cho biết.
Để thực hiện phương pháp trên thì các nhà nghiên cứu dùng một thiết bị chiếu xạ, đã được sử dụng trong việc kiểm soát ruồi gây ra các bệnh trên trái cây ở đảo Madeira, Bồ Đào Nha. Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết họ sẽ tài trợ phí vận chuyển thiết bị này đến Juazeiro, phía đông bắc bang Bahia, ngay khi Chính phủ Brazil cấp phép nhập khẩu.
Brazil hiện đang chạy đua với thời gian để tiêu diệt muỗi Aedes gây bệnh sốt xuất huyết và gần đây là bùng phát dịch bệnh do virus Zika, được cho là có liên quan đến dị tật đầu nhỏ, gây teo não ở hàng ngàn thai nhi.
Triệt sản muỗi Aedes - thủ phạm lan truyền virus Zika bằng cách chiếu tia gama (tia γ).
Theo ông Bourtzis, Tổ chức phi lợi nhuận Moscamed sẽ gây giống khoảng 12 triệu con muỗi đực trong một tuần. Muỗi nuôi trong phòng thí nghiệm sẽ được xử lý bằng cách chiếu tia phóng xạ. Đó là tia γ từ máy chiếu xạ cobalt – 60 do Công ty MDS Nordion của Canada sản xuất, khiến chúng trở nên vô sinh.
Sau đó, muỗi đực được thả vào tự nhiên để ghép đôi với những con muỗi cái khác. Trứng muỗi sinh ra sẽ không thể nở thành bọ gậy nên số lượng loài muỗi trong tự nhiên sẽ sụt giảm.
Sau khi thực hiện thí điểm ở hàng chục địa phương gần Juazeiro, Chính phủ Brazil phải quyết định viện trợ tài chính nhằm tăng sản lượng muỗi bị triệt sản và sử dụng cho các thành phố lớn. Tại đây số muỗi này có thể sẽ được thả từ không trung bằng máy bay không người lái.
Trong bối cảnh virus Zika đang lan rộng ra hơn 30 quốc gia, chủ yếu là châu Mỹ và chưa có một loại vắc-xin nào có thể chữa khỏi bệnh do loại virus này gây ra thì biện pháp khả thi nhất hiện nay là giảm số lượng muỗi sống trong tự nhiên.
Viện nghiên cứu y sinh học Fiocruz ở Recife đã thả khoảng 30.000 con muỗi bị triệt sản ở đảo Fernando de Noronha, cách bờ biển Barzil khoảng 350km về phía đông bắc. Chương trình thí điểm này hi vọng sẽ triệt tiêu 70% trứng do loài muỗi cái sinh sản. Kết quả ban đầu có thể được công bố vào tháng 5-2016.
Nhà nghiên cứu Alice Varjal cho biết sở dĩ phương pháp triệt sản muỗi được chọn vì sử dụng liều nhỏ bức xạ để chống muỗi là cách an toàn nhất, không thải chất độc ra môi trường. Phương pháp này hiệu quả hơn sử dụng muỗi biến đổi gene.
Phương pháp triệt sản muỗi từng được thử nghiệm ở nhiều quốc gia. Theo phòng thí nghiệm ngăn ngừa côn trùng có hại của IAEA, Italia đã giảm được 80% số lượng muỗi trong tự nhiên chỉ trong vài tháng. Ở Trung Quốc, số lượng muỗi đã bị tiêu diệt 100%.