Bức ảnh chụp vệt đen Mặt trời rộng 16.000km

Kính viễn vọng Mặt trời Daniel K. Inouye ở Hawaii chụp bức ảnh đầu tiên về vệt đen lớn tới mức có thể đặt vừa cả Trái đất bên trong.


Bức ảnh đầu tiên chụp vệt đen Mặt trời bằng kính viễn vọng Inouye. (Ảnh: NSF).

Bức ảnh được chụp khi kính viễn vọng Inouye đang trong giai đoạn hoàn thiện hé lộ vùng trung tâm sẫm màu của vệt đen nóng cháy ở 4.150 độ C dù vẫn mát hơn khu vực xung quanh. Vô số luồng khí gas nóng và lạnh tỏa ra từ vùng trung tâm. Toàn bộ vệt đen có đường kính khoảng 16.000km.

Kính viễn vọng Inouye nằm ở đảo Maui của Hawaii, chuyên dùng để khám phá hoạt động bùng phát của Mặt trời. Dù chưa xây xong, thiết bị vẫn đủ mạnh để chụp ảnh cận cảnh Mặt trời. "Bức ảnh vệt đen có độ phân giải không gian cao hơn 2,5 lần so với trước đây, cho thấy cấu trúc từ nhỏ cỡ 20 km trên bề mặt Mặt trời", tiến sĩ Thomas Rimmele, phó giám đốc Đài quan sát Mặt trời Quốc gia (NSO) thuộc NSF, cho biết.

Vệt đen Mặt trời là kết quả từ sự tập trung của từ trường cực mạnh và khí gas nóng bên dưới. Đây là biểu thị hoạt động của Mặt trời. Càng có nhiều vệt đen trên bề mặt, Mặt trời càng hoạt động mạnh. Mặt trời đang tiến vào giai đoạn cực tiểu, thời kỳ có ít vệt đen nhất trong chu kỳ 11 năm.

Vệt đen thường gắn liền với lóa Mặt trời và gió Mặt trời là trọng tâm nghiên cứu của các nhà thiên văn học bởi chúng tạo ra những sự kiện thời tiết vũ trụ tác động tới Trái đất, gây gián đoạn mạng lưới điện, liên lạc, định vị GPS, hàng không, vệ tinh. Kính viễn vọng Inouye sẽ hỗ trợ các công cụ để nghiên cứu hoạt động của Mặt trời, đặc biệt là từ trường. Quá trình xây dựng bắt đầu vào năm 2013 và dự kiến hoàn thành năm 2021.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất