Singapore chính thức cấp phép bán "thịt nuôi cấy" trong phòng thí nghiệm
Singapore đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới chính thức cấp phép bán loại thịt được.
Theo CNBC, Cơ quan Thực phẩm Singapore đã phê duyệt thịt gà nuôi cấy tế bào của hãng Eat Just, biến nước này trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới bắt đầu bán thịt động vật được tạo ra trong phòng thí nghiệm.
Josh Tetrick, Giám đốc điều hành của Eat Just, có ít nhất một điều quan trọng để biết ơn trong Lễ Tạ ơn năm nay: Các cơ quan quản lý ở Singapore đã cấp cho công ty của ông giấy phép đầu tiên trên thế giới đối với các loại thịt nuôi cấy tế bào của Eat Just.
Món gà làm từ thịt nuôi cấy tế bào của hãng Eat Just. (Ảnh: CNBC).
Quyết định này mở ra một con đường mới với Eat Just, vốn được biết đến nhiều nhất với các sản phẩm thay thế trứng gốc thực vật. Từ nay, công ty có thể bán thịt gà nuôi cấy trong phòng thí nghiệm của mình như một nguyên liệu thực phẩm ở Singapore. Quyết định đó cũng có thể sẽ thu hút nhiều đối thủ cạnh tranh hơn đến với đảo quốc sư tử cũng như thúc đẩy các quốc gia khác theo sau Singapore, mở đường cho ngành sản xuất thực phẩm mới mẻ này.
“Một cuộc chạy đua mới cho tương lai của thực phẩm đang bắt đầu", Giám đốc Điều hành Viện Thực phẩm Good Food, Bruce Friedrich cho biết trong một tuyên bố.
Hiện nay, viễn cảnh giới chức Mỹ phê chuẩn thịt nuôi cấy dường như vẫn còn rất xa vời, tạo cơ hội cho các công ty khởi nghiệp như Eat Just giảm chi phí sản xuất trước khi giới thiệu sản phẩm đến với nhiều người tiêu dùng hơn.
Trong thập kỷ qua, hàng chục công ty khởi nghiệp đã tìm cách làm ra các loại thịt nuôi cấy tế bào vừa ngon vừa hợp túi tiền, với mục tiêu cuối cùng là thuyết phục người tiêu dùng quay lưng lại với thịt động vật truyền thống. Cũng giống như các nhà sản xuất thịt thay thế từ thực vật, các công ty khởi nghiệp như Eat Just, Future Meat Technologies hay Memphis Meats do tỷ phú Bill Gates hậu thuẫn cho rằng sản phẩm của họ tốt cho sức khỏe người tiêu dùng hơn và cũng tốt hơn cho môi trường.
“Chúng tôi cho rằng cách để thực sự giải quyết vấn đề thịt - vấn đề sức khỏe, vấn đề phá rừng và vấn đề đạo đức - là tạo ra protein động vật”, ông Tetrick trả lời phỏng vấn.
Eat Just đã xếp ở vị trí thứ 21 trong danh sách Disruptor 50 (Top 50 Người đột phá) của CNBC năm nay vì những nỗ lực thay đổi ngành nông nghiệp và thực phẩm. Công ty đã huy động được 300 triệu USD và gần đây nhất được định giá 1,2 tỷ USD.
Thịt nuôi cấy được tạo ra bằng cách đưa các tế bào gốc từ mỡ hoặc cơ của động vật vào môi trường nuôi cấy để nuôi tế bào, cho phép chúng phát triển. Môi trường sau đó được đưa vào lò phản ứng sinh học để hỗ trợ sự phát triển của tế bào. Tetrick đã so sánh quá trình này với sản xuất bia, nhưng tạo ra một sản phẩm cuối cùng rất khác.
Trong 2 năm qua Eat Just tích cực làm việc để đạt được sự chấp thuận của Cơ quan Thực phẩm Singapore. Để đi đến thành công, họ phải đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm đối với các loại thực phẩm mới và chứng minh được một quy trình sản xuất nhất quán cho gà nuôi cấy tế bào.
Các kiểm tra chất lượng và an toàn đã xác định rằng sản phẩm của Eat Just đáp ứng các tiêu chuẩn cho thịt gia cầm. Sản phẩm có hàm lượng đạm cao và thành phần axit amin đa dạng, không chứa kháng sinh và vi sinh vật như khuẩn salmonella và E. coli.
Eat Just hiện đang trải qua các quy trình quản lý khác để thịt nuôi cấy của họ được chấp thuận ở các nơi khác trên thế giới, bao gồm cả Mỹ. Theo Giám đốc Tetrick, điều khiến Singapore trở nên khác biệt với những quốc gia khác là cách tiếp cận “tư duy về phía trước và nghiêm túc”.
Viện Thực phẩm Good Food, cơ quan ủng hộ các protein thay thế, cho biết họ đã họp với các quan chức chính phủ Singapore để thảo luận về thịt nuôi cấy trong hơn 3 năm qua.
Thịt nuôi cấy được tạo ra bằng cách đưa các tế bào gốc từ mỡ hoặc cơ của động vật vào môi trường nuôi cấy để nuôi tế bào, cho phép chúng phát triển.
Nhưng ở Mỹ, sự chấp thuận về pháp lý đối với thịt nuôi cấy dường như còn xa hơn nhiều. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm và Bộ Nông nghiệp Mỹ đã chính thức giám sát đối với hải sản, thịt gia cầm và thịt bò nuôi cấy tế bào từ năm 2019. Tuy nhiên, giống như thịt có nguồn gốc thực vật, các sản phẩm này sẽ vấp phải sự phản đối từ các nhà sản xuất thịt truyền thống, chẳng hạn như Hiệp hội Chăn nuôi Gia súc Mỹ.
Bên cạnh sự chấp thuận của cơ quan quản lý, chi phí sản xuất cao là một trong những rào cản chính đối với sự thành công của ngành thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Vào năm 2013, một chiếc bánh hamburger của công ty khởi nghiệp Mosa Meat ở Hà Lan có giá tới 280.000 USD / chiếc! Nhưng chi phí đã giảm mạnh trong những năm qua do quy mô ngày càng tăng. Chẳng hạn, Eat Just đang sử dụng lò phản ứng sinh học 1.000 lít cho sản phẩm thịt gà nuôi cấy tế bào, và công ty có kế hoạch định giá nó tương tự như giá gà cao cấp.
Tuy vậy, vẫn còn xa để Eat Just đưa thịt gà phòng thí nghiệm của mình đến từng hộ gia đình ở Singapore. Ông Tetrick cho biết, sản phẩm của công ty sẽ được bán dưới thương hiệu Good Meat mới, dự kiến ra mắt tại một nhà hàng duy nhất trên cả nước trong thời gian tới.
“Chúng tôi sẽ bắt đầu với một nhà hàng và sau đó mở rộng quy mô lên 5, 10, 15 và cuối cùng là bán lẻ. Cơ sở hạ tầng cần thiết để làm điều đó chủ yếu là các lò phản ứng sinh học, vì vậy cuối cùng chúng tôi sẽ chuyển sang các loại lò công suất 5.000, 10.000 và 20.000 lít”, Giám đốc Eat Just, Tetrick cho hay.
Eat Just đã hợp tác với các nhà sản xuất địa phương ở Singapore để chuẩn bị cho việc xin cấp phép và cuối cùng là tung gà nuôi cấy ra thị trường. Công ty cũng đang có kế hoạch mở các chiến dịch vận động để người tiêu dùng tin tưởng vào sản phẩm. Ông Tetrick cho biết chương trình này sẽ bao gồm việc minh bạch cách Eat Just sản xuất thịt nuôi cấy tế bào và nhắc nhở người tiêu dùng về quy trình sản xuất thịt thông thường.
Khi Eat Just mở rộng quy mô, công ty đặt mục tiêu tiếp tục giảm giá để thu hút người tiêu dùng và nhà hàng dùng thử sản phẩm.