Bướm lưỡng tính chào đời
Một con bướm lưỡng tính vừa được sinh ra tại Bảo tàng lịch sử tự nhiên của London, Anh.
Bướm lưỡng tính. Ảnh: BBC
Luke Brown, chuyên gia về bướm của Bảo tàng lịch sử tự nhiên London cho biết chỉ 0,01% số bướm nở ra gặp phải tình trạng này. Ông Luke đã xây ngôi nhà đầu tiên cho loài bướm từ năm ông 7 tuổi và đã có hơn 300.000 con bướm nở ra tại đây, tuy nhiên đây mới là lần thứ ba xảy ra trường hợp lưỡng tính.
Theo BBC, cánh của con bướm phân ra một bên tối màu là giới tính "nam" và một bên sặc sỡ hơn thuộc giới tính "nữ". Không chỉ cánh mà cơ thể của nó cũng được chia làm hai, các bộ phận sinh dục cũng ở tình trạng "một nửa - một nửa", thậm chí râu của nó cũng có độ dài khác lạ. Nguyên nhân của trường hợp lưỡng tính đặc biệt này là do sự phân tách không thành công của các nhiễm sắc thể giới tính trong quá trình thụ tinh.
Con bướm lưỡng tính này thuộc loài Papilio memnon, một loài bướm có nguồn gốc châu Á và đang ở tuổi "trung niên" sau ba tuần rưỡi chui ra từ kén. Sau khi kết thúc vòng đời kéo dài một tháng, con bướm sẽ được trưng bày tại Bảo tàng lịch sử tự nhiên London, vì vậy người dân rất ít có cơ hội chiêm ngưỡng con bướm này lúc nó đang sống.
Hiện tượng lưỡng tính không chỉ được tìm thấy ở bướm mà còn ở cua, tôm hùm, nhện và gà. Những loài động vật khác cũng có thể xảy ra trường hợp này nhưng rất khó để phát hiện vì các con đực và con cái khá giống nhau.