Cá mập có đáng phải chịu tiếng xấu do chúng ta gán ghép hay không?
"Khát máu", "hung tợn", "đáng sợ" là những từ chúng ta thường dùng để mô tả loài cá mập. Nhưng chúng có đáng bị gọi như vậy không?
Theo QZ, mọi người đều có những lo sợ kỳ lạ không thực sự hợp lý. Nổi tiếng nhất có lẽ nỗi sợ hãi cá mập. Chúng ta dành nỗi lo sợ đối với cá mập nhiều hơn cả với tai nạn xe hơi mặc dù chúng hiếm khi giết chết ai – chỉ 5 người chết vì cá mập trong năm 2017 - trong khi xe ô tô gây nguy hiểm đến mức nghiêm trọng và lấy đi 1,3 triệu mạng sống mỗi năm trên thế giới. Tuy nhiên, có rất ít bộ phim bom tấn về những chiếc xe trong khi cá mập luôn là chủ đề nóng mỗi khi mùa hè đến, từ bộ phim Jaws năm 1975 đến Meg mùa hè này, với sự tham gia của Jason Statham để chiến đấu với một con cá mập "thời tiền sử" dài 75 feet (hon 22 mét).
Mặc dù gián tiếp nhưng con người cũng dựa vào cá mập để tồn tại.
Nếu bạn thông minh, bạn sẽ bắt đầu đánh giá cao cá mập, bất kể Hollywood nói gì. Chúng ta cần chúng vì nhiều lý do, ít nhất là bởi vì những kẻ săn mồi đỉnh cao này được xem như "cảnh sát" của đại dương khi nó giúp duy trì cân bằng cho hệ sinh thái biển. Chúng có chiến lược ăn uống hẳn hoi và thường lựa chọn những con mồi già yếu (vì dễ sàng săn bắt) và giữ lại những động vật khỏe mạnh. Cá mập cũng đe dọa những sinh vật khác để duy trì môi trường sống của đại dương.
Ví dụ, các nhà khoa học ở Hawaii cho rằng khi số lượng cá mập hổ giảm xuống, rùa sẽ ăn tất cả cỏ biển dinh dưỡng nhất, dẫn đến sự phá hủy các hệ sinh thái đáy biển. Từ năm 1959 đến năm 1976, bang này đã tiêu huỷ gần 5.000 con cá mập để làm vùng biển an toàn hơn cho con người nhưng các nhà khoa học phát hiện ra rằng điều này hầu như không tạo ra sự khác biệt về tỷ lệ cá mập tấn công mỗi năm. Mặt khác, việc tiêu huỷ cá mập đã ảnh hưởng đến sức khỏe và sự cân bằng của các hệ sinh thái biển.
Mặc dù gián tiếp nhưng con người cũng dựa vào cá mập để tồn tại. Chúng ta phụ thuộc vào các đại dương để tạo ra oxy và giữ không khí chúng ta cần thở sạch. Đại dương loại bỏ một nửa lượng khí nhà kính của thế giới - nhiều hơn là rừng mưa nhiệt đới – nó giúp kiểm soát thời tiết và nhiệt độ của hành tinh. Cá mập duy trì sự cân bằng tự nhiên trong đại dương, từ đó bảo vệ chúng ta.
Một nghiên cứu lý thuyết năm 2016 được công bố trong Ecological Informatics cho rằng hệ sinh thái biển bị đánh bắt quá mức và việc lượng cá mập quá thấp đã góp phần tăng sản lượng carbon dioxide trong đại dương, từ đó làm thay đổi khí hậu. Ngoài ra, nó còn làm mất cân bằng tự nhiên và làm tăng hiệu ứng nhà kính.
Các đại dương cũng cung cấp khoảng một phần ba nguồn thực phẩm của thế giới. Mỗi năm 200 tỷ pound (1 pounds = 0,45 kg) cá và động vật có vỏ - trong đó có cá mập – bị bắt làm thức ăn cho con người. Sự biến mất của loài cá mập đã khiến nhiều vùng ngư nghiệp - nguồn cung cấp thủy hải sản của chúng ta - bị phá hủy.
Cá mập không quan tâm đến việc gặp gỡ hoặc ăn chúng ta khi chúng ta ở trong lãnh thổ của chúng. Năm ngoái, đã có 155 trường hợp đối mặt với cá mập được ghi nhận trên thế giới (theo Shark Attack File). Trong số này, 88 trường hợp được xác nhận là các cuộc tấn công không phải do bị kích động, 30 trường hợp do bị kích động, 18 trường hợp liên quan đến tàu thuyền, 12 trường hợp thậm chí còn chẳng phải là cá mập và số còn lại không thể xác định được chính xác. Những người này bao gồm thợ lặn, ngư dân, người lướt sóng và những người tắm biển.
Trang web của ISAF giải thích: "Số lượng tương tác của con người-cá mập có tương quan trực tiếp với thời gian của con người trên biển". Khi dân số phát triển và giải trí dưới nước trở nên phổ biến hơn, những tương tác này tăng lên. Tuy nhiên, những con cá mập không chủ động tấn công chúng ta, chỉ là chúng ta ngày càng xuất hiện nhiều trong lãnh thổ của chúng, vậy nên chúng ta phải đối mặt với "cảnh sát" của đại dương thường xuyên hơn.
Cá mập không quan tâm đến việc gặp gỡ hoặc ăn chúng ta khi chúng ta ở trong lãnh thổ của chúng.
Cá mập có một lịch sử tiến hóa lâu dài và đó là một lí do khác để chúng ta tôn trọng chúng. Chúng đã có mặt trong một thời gian rất dài, khoảng 400 triệu năm. Chúng bơi qua các đại dương trước khi những con khủng long đi lang thang trên Trái đất. Ngược lại, con người mới chỉ tồn tại trong khoảng 300.000 năm, tối đa là 500.000 năm.
Hiểu biết về cá mập có thể giúp giải quyết vấn đề của con người. Cá mập chữa lành vết thương đặc biệt nhanh chóng và có khả năng chống nhiễm trùng, bệnh tất rất tốt. Các nhà khoa học đang sắp xếp trình tự bộ gen của chúng để tìm hiểu ra mấu chốt của vấn đề từ đó áp dụng trong y học cho con người.
Ví dụ, một phương pháp điều trị được gọi là Omnigraft Dermal Regeneration Matrix sử dụng sụn cá mập. Các gene của cá mập cũng có thể cung cấp manh mối cho các phương pháp chữa trị ung thư - một nghiên cứu năm 2017 cho thấy rằng cá mập đã phát triển các gen kháng ung thư.
Trong khi đó, công ty Sharklet Technologies đang thử nghiệm sử dụng các tế bào da cá mập để làm sạch các bề mặt có nguy cơ nhiễm tụ cầu khuẩn Staphylococcus aureus trong các bệnh viện.
Dù thế nào đi nữa thì nhiều người vẫn rất bồ kết phong cách của cá mập. Vào năm 1961, người ta đã lấy cảm hứng từ cá mập để thiết kế cho mẫu concept Chevrolet Corvette Mako Shark của General Motor. Chiếc xe không bao giờ được đưa ra thị trường nhưng GM luôn xem nó như là một biểu tượng trong lịch sử thiết kế của mình.
Da cá mập cũng nổi lên trong thiết kế thể thao, truyền cảm hứng cho đồ bơi Speedo's Fastskin II được cho là làm giảm lực cản cho người bơi lội – đây là sự thay đổi đã tạo ra một làn sóng mới tại Thế vận hội 2008.
Với tất cả những lí do trên, có lẽ cá mập xứng đáng để chúng ta suy nghĩ lại rằng chúng không hề đáng sợ và đáng ghét như chúng ta tưởng.