Cá mập cũng cần bạn bè
Khét tiếng vì sự tàn nhẫn và lối sống cô độc, nhưng chứng cứ mới đây cho thấy một số cá thể cá mập vẫn muốn tạo dựng các mối quan hệ xã hội phức tạp, lâu dài.
>>> Cá mập "trinh nữ" đẻ nhiều kỷ lục
Nghiên cứu mới đăng trên chuyên san Animal Behaviour đã lần đầu tiên hé lộ một khía cạnh chưa từng được biết ở loài cá mập. Trưởng nhóm nghiên cứu Johann Mourier (thuộc Trung tâm nghiên cứu môi trường và đảo) cho hay đội của ông đã xác định được một nhóm cá mập vây đen tổ chức thành 6 cộng đồng lớn, nhỏ. Trong khi cá mập xám và cá mập đầu búa lại hình thành những nhóm đối lập, với mỗi cá thể có khu vực riêng.
Cá mập không đơn độc như con người vẫn tưởng
Mourier và cộng sự đã triển khai dự án tại đảo Moorea thuộc quần đảo French Polynesia. Các chuyên gia đã thực hiện những chuyến lặn kéo dài gần 1 giờ ở độ sâu 15m. Sau khi phân tích dữ liệu, họ phát hiện những con cá mập hiện diện tại những nơi này không hề tụ tập một cách ngẫu nhiên, mà tự tổ chức thành những cộng đồng xã hội có ý nghĩa. “Có 4 nhóm là các cộng đồng hỗn hợp giới tính, trong đó các cá thể có khuynh hướng tương tác thường xuyên hơn với cá thể khác cùng giới tính và chiều dài cơ thể”, Mourier nhận xét. Cá mập vây đen trưởng thành lúc 7 tuổi, dài khoảng 1m. Con cái thường lớn hơn con đực một chút.
Chuyên gia Mourier nghi ngờ cá mập tụ tập với nhau thành cộng đồng để có sự bảo vệ tốt nhất và tránh gây hấn với nhau. Ông và đồng sự cũng quan sát được một điểm khác thường, khi một nhóm khoảng 4 - 5 cá mập vây đen dồn một đàn cá xung quanh rặng san hô, có nghĩa là chúng có thể hợp tác với nhau để săn mồi. Một lợi thế khác khi tụ tập thành bầy có thể giúp các thành viên hiểu rõ hơn môi trường xung quanh. Các chuyên gia cũng phát hiện cá mập có khả năng thể hiện hành vi xã hội phức tạp giống như ở chim chóc và động vật có vú.