Các lầm tưởng "ngớ ngẩn" thời Hy Lạp cổ đại về con người
Tinh hoàn quy định giọng nói, đôi mắt chứa ánh sáng... là những sai lầm về cơ thể người mà nhiều nhà khoa học thời Hy Lạp cổ đại đưa ra.
>>> Sự thật của các lầm tưởng hoang đường về thời Trung Cổ
Với nguồn kiến thức khoa học hạn chế, người Hy Lạp cổ đại đã cố gắng đào sâu nghiên cứu các khía cạnh của cơ thể người và động vật bằng việc đặt ra nhiều giả thuyết. Một số giả thuyết đã đúng nhưng hầu hết chúng đều không chính xác.
Nếu nhìn từ góc độ khoa học hiện đại thì một số giả thuyết trước đây sẽ khá buồn cười, nhưng ai ngờ, nó lại đến từ những triết gia, bác sĩ hay các nhà tư tưởng học nổi tiếng.
1. Đôi mắt chứa ánh sáng
Plato là một trong những triết gia Hy Lạp vĩ đại nhất thời Hy Lạp cổ đại cũng đưa ra nhiều đóng góp “sai lầm” cho y học, trong đó ý tưởng tệ nhất có lẽ là về dòng chảy ánh sáng hoặc lửa trong mắt.
Theo đó, dòng chảy ánh sáng này khi phát ra, chạm đến vật thì phản xạ lại, sau đó nó kết hợp cùng ánh sáng Mặt trời khiến cho vật “có thể được nhìn thấy”. Màu của vật được cho là “những đốm sáng” thoát ra từ chính vật thể đó.
Quan niệm này đã được phổ biến rộng rãi cho đến thế kỷ thứ XI, khi nhà khoa học người Ba Tư Ibn al-Haytham phát triển lý thuyết khác hẳn - cho rằng, mắt chỉ là một “công cụ quang học” trong cơ thể người. Để nhìn thấy được một vật cần có ánh sáng chiếu vào vật, sau đó phản xạ lại đến mắt, điều này mới cho phép “mắt nhìn thấy vật”.
2. Tĩnh mạch vận chuyển máu, động mạch vận chuyển không khí
Nhà vật lý học người Hy Lạp - Praxagoras mất đi là một tổn thất lớn cho nhân loại bởi ông có lẽ là người đầu tiên nhận ra sự khác nhau giữa tĩnh mạch và động mạch.
Tuy nhiên, Praxagoras tin rằng, không khí được truyền qua động mạch. Sở dĩ ông đưa ra quan niệm này là bởi ông nhận thấy, phần máu của người chết sẽ không còn xuất hiện ở động mạch mà tập trung tại tĩnh mạch.
Ngoài ra, ông còn lý giải việc cơ thể chảy máu khi có vết thương hở là do động mạch đã hút máu từ các mô xung quanh khi tiếp xúc với không khí. Quan niệm này đã được tin dùng đến hàng trăm năm sau, khi loài người khám phá ra sự thật rằng, cả hai đều vận chuyển máu, chỉ khác tĩnh mạch vận chuyển máu về tim, lấy dưỡng khí sau đó theo động mạch đi khắp cơ thể.
3. Giấc ngủ đến khi máu chảy khắp bề mặt cơ thể
Triết gia người Hy Lạp, đồng thời cũng là bác sĩ nổi tiếng Alcmaeon of Croton, người nắm giữ rất nhiều cái “đầu tiên” của y học đã nêu ý tưởng: não bộ là nơi kiểm soát cơ thể thay vì trái tim như nhiều người lầm tưởng vào thế kỷ V TCN.
Tuy nhiên, không phải lúc nào ông cũng đúng. Alcmaeon tin rằng, giấc ngủ đến khi máu người chảy ra khỏi bề mặt cơ thể (thoát ra khỏi các mạch máu dưới da), đến những vùng mạch máu xa hơn. Ông cũng cho rằng, khi tất cả máu trong cơ thể người tập trung tại một điểm quá lâu, người đó sẽ chết.
Luận điểm của Alcameon xuất phát từ việc con người “nằm ngủ” - lượng máu lưu thông được cho là sẽ rời xa khỏi các mạch máu trên bề mặt cơ thể. Nhưng những người đời sau, hay ngay cả những nhà tư tưởng kế nhiệm đã phản bác lại ý kiến này bởi họ nói rằng, con người có thể “ngủ đứng” được.
4. Não bộ chỉ là thiết bị làm mát
Aristotle là một triết gia, nhà bác học nổi tiếng Hy Lạp thời cổ đại và cũng là thầy dạy của Alexandros Đại đế. Tuy nhiên không nhờ thế mà ông không có sai sót. Một trong những quan niệm sai lầm của Aristotle đó là “trái tim là trung tâm của kiến thức, là nguồn của mọi giác quan”.
Thậm chí, ông còn gây dựng một lý thuyết khác dành cho não bộ, đó là một “thiết bị làm mát” khi trái tim làm việc quá tải, và là nơi linh hồn nghỉ ngơi. Dù những nhà tư tưởng đi trước, gồm cả Alcmaeon và Plato - thầy của Aristotle - đã đưa ra mô hình nghiên cứu về hệ thần kinh trung ương của con người, nhưng Aristotle cười nhạo họ. Ngoài ra, ông cũng cho rằng não bộ phụ nữ nhỏ hơn đàn ông, một sai lầm lớn kéo dài trong rất nhiều năm tiếp theo.
5. Tinh hoàn quy định giọng nói
Không ngạc nhiên khi Aristotle lại xuất hiện, vì xét cho cùng những ý tưởng của ông có sức ảnh hưởng đến nhân loại hàng ngàn năm tiếp theo. Lần này, ông cho rằng, tinh hoàn là yếu tố quyết định giọng nói của một người.
Ông lý giải giọng nói của con trai có xu hướng trầm hơn vào tuổi dậy thì, khi tinh hoàn phát triển (rất nhiều giả thuyết của Aristotle dựa vào quan sát trên động vật). Ngoài ra, một người đàn ông bị thiến trước khi dậy thì sẽ duy trì giọng nói “ái ái” đã có từ trước. Còn khoa học hiện đại thì chứng minh rằng thanh quản cùng các màng nhầy bên trong quy định giọng nói của chúng ta như thế nào.