Các nhà du hành của Nga và Mỹ trên trạm ISS trở về Trái đất
Cuộc trở về Trái đất lần này của các phi hành gia thu hút nhiều sự chú ý hơn do căng thẳng giữa Mỹ và Nga leo thang sau khi Moskva triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng trước.
Phi hành đoàn trên tàu Soyuz gồm Anton Shkaplerov, Mark Vande Hei và Pyotr Dubrov (từ trái sang phải). (Ảnh: NASA)
Ngày 30/3, nhà du hành người Mỹ Mark Vande Hei đã cùng 2 đồng nghiệp của Nga là Anton Shkaplerov, Pyotr Dubrov trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) trở về Trái đất bằng tàu vũ trụ Soyuz MS-19 của Nga.
Cơ quan Vũ trụ LB Nga (Roscosmos) cho biết khoang hạ cánh của tàu vũ trụ Soyuz MS-19 chở các phi hành gia đã hạ cánh an toàn xuống Kazakhstan. Ông Mark Vande Hei đã thiết lập kỷ lục là phi hành gia của NASA có chuyến bay lâu nhất trên ISS, tới 355 ngày.
Hai nhà du hành Dubrov và Vande Hei đã tới ISS vào ngày 9/4/2021 trên tàu vũ trụ Soyuz MS-18. Họ đã cùng nhau hoàn thành 5.680 vòng quỹ đạo, bay hơn 240 triệu km quanh Trái đất. Trong khi đó, nhà du hành Shkaplerov đặt chân lên trạm vũ trụ vào tháng 10/2021 cùng với 1 đạo diễn và nữ diễn viên người Nga, với nhiệm vụ quay bộ phim đầu tiên trong không gian.
Trong khi nhóm làm phim quay trở lại Trái đất chỉ vài tuần sau khi lên không gian, nhà du hành Shkaplerov vẫn ở trên ISS và kết thúc sứ mệnh không gian thứ tư của mình với tổng cộng 708 ngày trên quỹ đạo.
Cuộc trở về Trái đất lần này của các phi hành gia thu hút nhiều sự chú ý hơn do căng thẳng giữa Mỹ và Nga leo thang sau khi Moskva triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng trước.
Bất chấp NASA đã nhiều lần tái khẳng định việc tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Roscosmos, một số hãng truyền thông Mỹ đã tỏ ý nghi ngờ liệu Nga có đưa nhà du hành Mark Vande Hei trở lại Trái đất trong bối cảnh Washington đang áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Moskva.
- Rắn hổ mang tử chiến đại bàng và cái kết khó tin
- Rau diếp giúp phi hành gia cải thiện sức khoẻ trong sứ mệnh dài ngày trên sao Hỏa
- "Thế giới khác" ở Mông Cổ: Quái thú cao 3 mét sống cùng 2 loài người tuyệt chủng