Các nhà khoa học đưa ra ý tưởng tạo biển giữa sa mạc Sahara
Năm 1957, các nhà khoa học đưa ra ý tưởng và tính toán cần kích nổ 213 quả bom hạt nhân để làm ngập vùng trũng Qattara, tạo ra biển nội địa.
Sa mạc Sahara là khu vực rộng lớn chiếm diện tích 9,2 triệu km2 ở phía bắc châu Phi. Trong lịch sử, có nhiều kế hoạch làm ngập một phần sa mạc Sahara bởi nhiều khu vực thuộc sa mạc cát này nằm dưới mực nước biển, theo IFL Science.
Vùng trũng Qattara của Sahara nằm dưới mực nước biển. (Ảnh: Egypt Nile)
Người đầu tiên khởi xướng ý tưởng là kỹ sư người Scotland Donald McKenzie. Ông muốn làm ngập bồn địa El Djouf, biến nơi đây thành biển Sahara. McKenzie đề xuất tạo ra một kênh đào dài 644km từ Morocco tới bồn địa, qua đó hình thành vùng biển nội địa rộng ngang Ireland (96.560km2). Tương tự, vào thập niên 1870, lấy cảm hứng từ kênh đào Suez, thuyền trưởng François-Elie Roudaire của quân đội Pháp đề xuất xây kênh đào dài 193km nối biển Địa Trung Hải với khu vực hồ muối Chott el Fejej thuộc sa mạc Sahara ở phía nam Tunisia, qua đó làm ngập 4.828 km2 đất cát.
Ý tưởng này nhận được sự ủng hộ của Ferdinand de Lesseps, nhà ngoại giao Pháp rất nổi tiếng nhờ chỉ đạo xây dựng kênh đào Suez. Chi phí để thực hiện ý tưởng ở thời điểm đó là khoảng 25 triệu franc (4,2 triệu USD). Kế hoạch sẽ giúp mở thêm nhiều tuyến đường thông thương cho tàu bè của Pháp. De Lesseps và bạn bè muốn biến trung tâm Bắc Phi thành nơi ẩm ướt và màu mỡ hơn. Tuy nhiên, một số chuyến thám hiểm tới đó phát hiện khu vực không thực sự nằm dưới mực nước biển và chi phí gia tăng khiến kế hoạch tham vọng trên không bao giờ trở thành hiện thực. Tuy thất bại, kế hoạch vẫn truyền cảm hứng cho nhà văn Jules Verne đề cập tới việc xây dựng kênh đào trong cuốn tiểu thuyết Invasion of the Sea xuất bản năm 1905, trong đó một trận động đất góp phần tạo ra biển nội địa ở phía bắc châu Phi.
Một kế hoạch khác để đưa biển vào sa mạc Sahara được đề xuất tại Ai Cập. Dự án Plowshare là sáng kiến của Ủy ban Năng lượng nguyên tử Mỹ. Các nhà nghiên cứu tính toán cần kích nổ 213 quả bom hạt nhân để tạo ra kênh đào làm ngập vùng trũng Qattara thấp hơn 60 m so với mực nước biển. Tuy nhiên, một số hiệp định quốc tế ngăn cấm kích nổ bom hạt nhân và dự án Plowshare kết thúc vào năm 1977.
Gần đây hơn, vào năm 2018, công ty ở thung lũng Silicon tên Y Combinator giới thiệu ý tưởng đối phó hiện tượng ấm lên toàn cầu bằng cách làm ngập khu vực sa mạc Algodones ở California. Kế hoạch của họ là tạo ra hàng triệu hồ chứa nước rộng 0,4 hecta để nuôi tảo, đóng vai trò như bể carbon. Tuy nhiên, với chi phí khoảng 50 nghìn tỷ USD, dự án này vẫn chưa được xúc tiến.