Các nhà khoa học nhìn hình ảnh từ mắt chuột bằng AI
Công cụ AI này có thể dự đoán khung hình mà một con chuột đã xem, giúp các nhà nghiên cứu biến dữ liệu này thành video.
Các nhà nghiên cứu thuộc Đại Học Bách Khoa Liên Bang Thụy Sĩ Lausanne (EPFL) đã phát triển một công cụ AI có thể dựng lại chính xác những gì một con chuột nhìn thấy thành video.
AI có thể dựng lại chính xác những gì một con chuột nhìn thấy thành video. (Ảnh: EPFL).
Công cụ AI có tên là “CEBRA” được đào tạo để dự đoán và dựng lại đoạn phim mà một con chuột đang xem.
Trong video do EPFL chia sẻ, một con chuột được xem một đoạn phim đen trắng về một người đàn ông đang mở cốp xe hơi. Cùng lúc, CEBRA đã dựng lại chính xác những gì mà con chuột nhìn thấy, dù hình ảnh trong video vẫn còn ngắt quãng.
Video mà chuột nhìn thấy và video do CEBRA dựng lại. (Ảnh: EPFL).
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature hôm 3/5, các nhà khoa học ghi lại hoạt động của não chuột bằng cách sử dụng các đầu dò điện cực được đưa vào vùng vỏ não thị giác. Họ cũng sử dụng chuột biến đổi gen và các đầu dò quang học để các tế bào thần kinh trong não của chúng phát sáng màu xanh lục khi dẫn truyền thông tin.
Nhóm nghiên cứu đào tạo CEBRA thông qua các đoạn phim mà chuột xem và hoạt động não của chúng, giúp CEBRA nhận biết các tín hiệu não liên kết với khung hình nhất định của một đoạn phim cụ thể. Tiếp theo, họ cung cấp cho AI này một số hoạt động não bộ khác của chuột. Nhờ đó, CEBRA có thể dự đoán khung hình mà một con chuột đã xem, giúp các nhà nghiên cứu biến dữ liệu này thành video.
Thực tế, công nghệ giải mã tín hiệu não để tạo ra hình ảnh không còn quá xa lạ. Tháng 3 vừa qua, các nhà nghiên cứu tại Đại học Osaka (Nhật Bản) chế tạo thành công mô hình Stable Diffusion, có thể tái tạo lại hình ảnh từ hoạt động của não với độ phân giải và độ chính xác cao.
Tương tự, các nhà khoa học tại Đại học Radboud (Hà Lan) đã phát triển công nghệ “đọc suy nghĩ” có thể chuyển sóng não của một người thành hình ảnh.
- AI đã có thể tái hiện chính xác đến hơn 80% hình ảnh trong não người
- Sinh viên đại học Stanford phát triển kính AI nhắc đáp án cho người nói
- Công cụ AI mới phát hiện được deepfake bằng cách phân tích phản xạ ánh sáng trong mắt