Các nhà khoa học tìm thấy một chi khủng long có sừng mới chưa từng được biết đến
Hóa thạch khai quật ở bang Montana tiết lộ chi khủng long Stellasaurus chưa từng được biết tới sống cách đây 75 triệu năm.
Stellasaurus có nghĩa là "thằn lằn sao" trong tiếng Latinh và Hy Lạp. Tên gọi này bắt nguồn từ hình dạng hộp sọ và diềm xương độc đáo trông giống như một ngôi sao đang tỏa sáng, theo báo cáo trên tạp chí Royal Society Open Science hôm 29/4.
Phần đầu có cấu trúc phức tạp của loài Stellasaurus ancellae. (Ảnh: Andrey Atuchin).
Bộ xương được tìm thấy gần biên giới Mỹ - Canada cho thấy thành viên đầu tiên thuộc chi khủng long mới, Stellasaurus ancellae, có chiều dài tương đương một chiếc xe buýt nhưng chỉ nặng khoảng hai tấn. Nó sống cùng thời với những loài khủng long săn mồi lớn như Tyrannosaurus và Velociraptor trong kỷ Phấn Trắng.
Stellasaurus được xác định thuộc nhóm khủng long ăn cỏ. Chúng có mỏ nhọn như vẹt cùng một chiếc sừng dài mọc trên mũi. Hình dạng đặc biệt của sừng và diềm xương là một đặc điểm tiến hóa phục vụ mục đích giao phối, theo chuyên gia cổ sinh vật học Jack Wilson tại Đại học bang Montana của Mỹ.
"Sừng và diềm xương của Stellasaurus là độc nhất và khác nhau giữa các cá thể", Wilson giải thích. "Tương tự như loài công, mỗi con có một bộ lông đuôi độc đáo của riêng chúng để thu hút bạn tình".
Phân tích cấu trúc hộp sọ cho thấy Stellasaurus đại diện cho một liên kết bị thiếu trong cây gia đình khủng long. Chúng được cho là tiến hóa trực tiếp từ chi Styracosaurus sống cách đây khoảng 76 triệu năm và sau đó phát triển thành chi mới có tên là Einiosaurus.
"Phát hiện này rất có ý nghĩa bởi nó kết nối câu chuyện kéo dài hàng triệu năm về những thay đổi tiến hóa không ngừng trong một dòng dõi khủng long duy nhất", Wilson nhấn mạnh về tầm quan trọng của nghiên cứu.