Cách giúp đàn ông chấm dứt cảnh "bắn tung tóe" mỗi khi đi WC
Bi kịch bắn nước tiểu lên quần, lên giày, lên tay... sẽ được chấm dứt ngay tức thì.
Cánh phụ nữ cứ bảo họ nhiều vất vả bất công, nhưng thực ra cánh nam nhi chúng tôi cũng lắm chuyện khó khăn gian truân lắm chứ. Ngay cả chuyện "đi nhà nhỏ" cũng phải cẩn thận, linh tinh là bắn tung tóe như thế này này.
Câu chuyện "bắn tung tóe" của con trai mỗi khi đi tiểu.
Mà thực ra, câu chuyện bắn tung tóe khi đi tiểu này là không thể tránh khỏi. Nguyên do là bởi "nước chảy tại nguồn" không đi theo một dòng cố định, mà được phân thành nhiều giọt rơi xuống. Tức là, giống như bạn ném một quả bóng nước đi vậy, giọt nước khi va chạm với bề mặt bồn tiểu lập tức vỡ ra và bắn tung tóe khắp nơi.
Cái sự bắn này là ngẫu nhiên, nên tùy theo may mắn mà bi kịch của chủ nhân sẽ có mức độ khác nhau. Nhẹ thì bắn ra xung quanh, nặng thì vào tay, vào quần, vào giày, nói chung là đau khổ.
Và đừng tưởng chuyện này hài hước nhé! Việc nước tiểu bắn tung tóe có thể là nguồn cơn lan truyền rất nhiều vi khuẩn, bệnh tật nguy hiểm. Đây chính là lý do các bạn không nên đi tại nhà vệ sinh của các bệnh viện, dù cho họ có tẩy trùng thường xuyên.
Giải quyết chuyện này ra sao?
Thật may, các nhà khoa học tại ĐH Oxford (Anh) đã phát triển thành công giải pháp giúp ngăn ngừa tình trạng bắn tung tóe này. Dự tính, nó sẽ được áp dụng không chỉ trong nhà vệ sinh, mà trong bồn rửa trong bếp nữa.
Phương pháp này cực kỳ đơn giản. Các chuyên gia cho biết, chỉ cần phủ một lớp vật liệu mềm lên bề mặt bồn tiểu, như cao su hoặc vật liệu dạng gel, lượng nước bắn lên sẽ giảm đi rất đáng kể.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu sử dụng ethanol (rượu) để mô phỏng dòng nước tiểu, rồi đổ chúng lên một bề mặt bằng silicone - vì đây là vật liệu phổ biến và có độ tùy biến cao. Quá trình này được ghi lại bằng camera tốc độ cao (khoảng 100.000 khung hình/s).
Thử nghiệm giọt nước rơi trên bề mặt cứng và mềm.
Kết quả thì thật đáng kinh ngạc, cái sự bắn này được loại bỏ hoàn toàn!
Theo Alfonso Castrejón-Pita, giáo sư thuộc Hội nghiên cứu Hoàng gia tại Oxford: "Thí nghiệm này khi kết hợp cùng các mô hình nghiên cứu và giả lập từ máy tính, chúng tôi nhận ra bề mặt tiếp xúc chỉ biến dạng trong đúng 30 micro giây, tức là sự bắn nước này hoàn toàn bị loại bỏ".
"Điều gây ngạc nhiên hơn cả là chúng ta phải "bắn" với năng lượng mạnh hơn bình thường tới 70% mới đủ để nước phản xạ lại trên các bề mặt mềm như thế. Tức là, phải đi tiểu ở độ cao gấp đôi so với bình thường mới gây bắn tung tóe" - ông cho biết.
Giáo sư cho rằng giải pháp này sẽ có ứng dụng vượt ra khỏi khuôn viên nhà vệ sinh hay nhà bếp. Ngay cả các phòng thí nghiệm cũng nên cân nhắc sử dụng chúng.
Sự lan tỏa của các giọt chất lỏng khi rơi rớt là cực kỳ dễ dàng.
Theo ông: "Sự lan tỏa của các giọt chất lỏng khi rơi rớt là cực kỳ dễ dàng: một giọt chất lỏng như ethanol hoặc methanol nếu rơi từ độ cao 20cm sẽ hình thành những giọt với kích cỡ đủ để lan toả theo không khí. Nếu chúng ta phải làm việc cùng các hóa chất nguy hiểm dạng lỏng, sẽ rất cần thiết để đảm bảo rằng việc rơi rớt chúng không khiến chúng ta gặp tai họa".
"Thậm chí trong phẫu thuật cũng có thể áp dụng, dịch cơ thể sẽ không bắn tung tóe khi mổ" - ông cho biết thêm.
Quay trở lại với câu chuyện chiếc bồn cầu, vậy cụ thể phải làm thế nào? Đơn giản thôi, đặt thêm một vòng cao su như thế này đặt vào là xong. Khi đi tiểu, nhớ đi đúng vị trí nhé.
Đặt thêm một vòng cao su ở đây là được.
Hoặc nếu chưa có, hãy tìm cách đứng càng sát bồn tiểu càng tốt. Nếu dòng nước tiểu chưa vỡ ra thành các giọt nhỏ, khả năng bị bắn cũng giảm đi rất nhiều.