Cao ốc xanh có thể giải bài toán khủng hoảng sinh thái
Cho rằng các đô thị toàn cầu đang quá tải bởi công trình cao tầng thải lượng lớn khí CO2 và tiêu thụ nhiều năng lượng, theo các kiến trúc sư Pháp, đối mặt với khủng hoảng sinh thái, TP HCM cần đầu tư xây dựng cao ốc xanh.
Ngày 24/11, tại hội thảo Thiết kế và kiến trúc tiết kiệm năng lượng trong tòa nhà, kiến trúc sư Pháp Albert Abut cho biết, việc xây dựng các công trình dày đặc đã thải ra lượng khí CO2 lớn trên toàn cầu. Người cư ngụ trong các tòa nhà đang phải gánh chịu chí phí năng lượng ngày một tăng cao. Với tình trạng này kéo dài, thế giới đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng sinh thái.
Ông Albert Abut cho hay: "Giải pháp cho cuộc khủng hoảng sinh thái trong tương lai chính là xây dựng cao ốc xanh tiết kiệm năng lượng. Việc xây dựng này khiến chi phí tăng lên khoảng 25% tổng suất đầu tư cho tòa nhà nhưng mang lại hiệu quả lâu dài".
Theo vị kiến trúc sư này, các giải pháp xây cao ốc xanh đã có sẵn trong tự nhiên. Ông chỉ ra, ở từng khu vực có khí hậu và vùng địa lý khác nhau, người dân địa phương có cách xây dựng nhà ở khác nhau nhưng lại rất phù hợp với môi trường như: có hệ thống thông gió tự nhiên, hệ thống cách nhiệt và cách âm cổ điển nhưng hiệu quả.
Nhiều chuyên gia kiến trúc nhận xét, lượng cao ốc xanh tại TP HCM còn quá mỏng.
Ông Albert Abut nói thêm: "Chúng tôi đang nghiên cứu cách tạo một lớp vỏ bọc của công trình nhằm tăng tính cách nhiệt, giảm thiểu mức sử dụng máy điều hòa, tiết kiệm năng lượng và lọc tiếng ồn".
Tương tự, kiến trúc sư Olivier Souquet cảnh báo, các tòa nhà được xây dựng quá dày đặc trong những đô thị lớn sẽ không thể đảm bảo các yếu tố về sinh thái và năng lượng. Quan điểm của ông Souquet, cao ốc xanh trong tương lai cần chú trọng đến hai yếu tố: sử dụng vật liệu tại chỗ và tận dụng tối đa năng lượng tự nhiên: gió, ánh sáng, nước cho việc thông gió, chiếu sáng, làm mát.
Nữ kiến trúc sư Myriam Oliver cho hay, ở Pháp, khi xây các tòa nhà đạt chuẩn xanh chi phí tăng thêm 15% so với những tòa nhà bình thường. Tuy nhiên, các chi phí này có thể thu hồi được khi tòa nhà đi vào hoạt động vì các hệ thống tiết kiệm năng lượng sẽ giúp việc vận hành tòa nhà hiệu quả và tiết kiệm hơn.
Bà Myriam Oliver phân tích, để giảm tiếng ồn và làm mát các cao ốc, chủ đầu tư cần phải quan tâm ngay từ lúc xây dựng công trình. Thực tế là vật liệu cách nhiệt cũng có thể giúp giảm được tiếng ồn vì cách nhiệt và cách âm luôn gắn liền nhau.
Đồng giám đốc Trung tâm dự báo và nghiên cứu đô thị, kiến trúc sư Fanny Quertamp Nguyễn cho rằng, TP HCM đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu nên rất cần khuyến khích đầu tư xây dựng cao ốc xanh. Bà nhấn mạnh, cách tiếp cận mới cho các nhà quy hoạch TP HCM là cần quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu và công trình sử dụng năng lượng hiệu quả.
Một trong những tiêu chí của cao ốc xanh là: sử dụng năng lượng hiệu quả, kiến trúc hài hòa với không gian và quy hoạch chung, cách nhiệt, chiếu sáng tự nhiên, giảm tiếng ồn và có tính sáng tạo cao.
Bà Fanny Quertamp Nguyễn nhận định, là đô thị lớn, những thách thức mà TP HCM phải giải quyết trong thời gian tới là vấn đề đô thị hóa quá nhanh, cao ốc đua nhau mọc lên nhưng chưa có nhiều cao ốc xanh. Không những thế, TP HCM có đến 60% diện tích đất không xây dựng được vì ngập nước hoặc thuộc diện bảo tồn.
Giám đốc Trung tâm tiết kiệm năng lượng TP HCM Huỳnh Kim Tước nhận định, một công trình "xanh" sử dụng năng lượng hiệu quả có nhiều ưu điểm mà bất cứ ai cũng mong muốn đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất là suất đầu tư sẽ gia tăng trung bình 20% thậm chí lên đến 40% cho các chi phí liên quan đến lĩnh vực thiết bị cơ điện. Một hạn chế khác, Việt Nam thiếu đội ngũ có kinh nghiệm tư vấn thiết kế xây dựng công trình xanh. Cần có cơ chế hỗ trợ tài chính hoặc chính sách ưu đãi đất đai cho những đơn vị đầu tư xây dựng công trình xanh.
Theo ông Tước, Việt Nam hiện có 2 xu hướng phát triển công trình xanh. Một là xây dựng các làng nông thôn đô thị, chuyển hóa làng xã nông thôn theo hướng đô thị hóa. TP HCM đang chọn một xã tại huyện Củ Chi để thực hiện. Hai là phát triển các làng, khu công nghiệp, đô thị sinh thái. Hai xu hướng này đang thu hút nhiều nhà đầu tư, phát triển rất nhanh nhưng còn tự phát. Hiện các chuẩn mực như thế nào là kiến trúc xanh, kiến trúc sinh thái Việt Nam vẫn chưa có tiêu chí riêng.
Ông Tước cho hay, chứng nhận của nhà nước do những tiêu chuẩn bắt buộc về hiệu quả năng lượng trong công trình mang tính bắt buộc do Sở Xây dựng địa phương thẩm định. Thứ hai là các chứng nhận về công trình xanh, tòa nhà hiệu quả năng lượng do các tổ chức phi chính phủ thực hiện.