Cây đổ hàng loạt trên phố Hà Nội
Nằm trên đường di chuyển của bão, Hà Nội suốt 8 tiếng qua có mưa to liên tục, gió giật mạnh. Hàng loạt cây xanh trên đường phố đổ rạp, đè lên nhiều phương tiện.
7h sáng, dù bão Mirinae đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, song Hà Nội vẫn mưa to, gió xoay chiều liên tục. Đường Trần Xuân Bảng, đoạn qua bán đảo Linh Đàm, rất nhiều xe máy không thể di chuyển, ôtô phải giảm tốc độ.
"Gió quật mạnh, nhiều người loạng choạng ngã ra đường, tôi và nhiều người khác phải táp xe vào lề và cho nằm xuống. Bản thân phải ngồi thụp xuống đường", anh Lê Văn Thủy thông tin. Vì gió bão nên quãng đường 25km từ nhà ở Bắc Từ Liêm đến huyện Thanh Trì của anh cũng lâu hơn, mất 1,5 tiếng rưỡi.
Ở xã Liên Ninh, cụm 591 thuộc xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, nhiều cây to, cột điện đổ gây mất điện từ đêm qua đến nay vẫn chưa được khắc phục.
Cây xà cừ cổ thụ bật gốc đổ vào nhà dân ở phố Ngô Thì Nhậm. (Ảnh: Thanh Hà).
Trước khi suy yếu, bão với sức gió giật cấp 6-7 đã quật đổ hàng loạt cây xanh ở thủ đô. Tại quận Cầu Giấy, khắp các tuyến đường Tô Hiệu, Trần Quốc Hoàn, Trần Đăng Ninh..., đều có cây đổ chắn ngang đường, công an phải hướng dẫn người dân đi vòng.
Đang kiểm tra trên phố, ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó tổng giám đốc Công ty Công viên cây xanh Hà Nội, thông tin gió mạnh do ảnh hưởng bão Mirinae nên cây xanh Hà Nội bị đổ, gẫy cành khá nhiều. Đơn vị này đang thống kê thiệt hại, cưa cắt cây đổ chắn ngang đường để không ảnh hưởng giao thông.
Công ty Thoát nước Hà Nội cũng ghi nhận sáng 28/7 đã xảy ra úng ngập tại nhiều khu vực như Phạm Văn Đồng (trước Công ty Cầu 7, ngã Xuân Đỉnh - Tân Xuân), Mạc Thị Bưởi, Minh Khai (chân cầu Vĩnh Tuy), Hoàng Mai, Nguyễn Chính, Thanh Đàm, Trường Chinh (từ Viện Y học Hàng không đến Tôn Thất Tùng), Quan Nhân, Vũ Trọng Phụng, Cự Lộc... với độ sâu đến 0,3m.
Theo ông Lê Vũ Quảng Sương, Phó tổng giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội, đêm qua, mưa liên tục kéo dài trên diện rộng khắp thành phố. Tổng lượng mưa đo được tại các trạm đo tại Hoàng Mai 102 mm; Yên Sở 89mm; Vân Hồ 67,6mm; Cầu Giấy 61,2mm; Mễ Trì 82,5mm; Ngã Tư Sở 74,5mm; Trúc Bạch 66mm; Nam Từ Liêm 67,6mm; Thanh Liệt 66 mm; Hoàng Quốc Việt 52 mm và các nơi khác xấp xỉ 200mm.
Một cây đổ đè nát ôtô trên phố Hai Bà Trưng.
Công ty thoát nước đã huy động 100% cán bộ ứng trực tại hiện trường, thực hiện công tác tua vớt rác tại miệng thu hàm ếch, khơi thông dòng chảy. Các dàn thiết bị cơ giới đã thực hiện ứng trực để kịp thời hỗ trợ thông tắc tại các vị trí được phân công. Các cửa phai hồ Thành Công, Giảng Võ, Bảy Mẫu, Đống Đa... đã được mở để điều hoà nước. Trạm bơm Yên Sở, trạm bơm Đồng Bông I, Đồng Bông II và các trạm bơm cục bộ khác liên tục vận hành để hạ mực nước trên hệ thống.
Theo thông báo của Đài khí tượng thuỷ văn Đồng bằng Bắc bộ, ảnh hưởng của bão tiếp tục gây mưa cho khu vực Hà Nội, Công ty thoát nước tiếp tục tổ chức ứng trực tại hiện trường, vận hành trạm bơm Yên Sở và các trạm bơm cục bộ khác để hạ mực nước đệm trên hệ thống.
22h ngày 27/7, tâm bão Mirinae đã đổ bộ hai tỉnh Nam Định và Ninh Bình với sức gió tối đa 90km/h (cấp 9). Cơ quan khí tượng dự báo, trong 12-24 giờ tới Thanh Hóa tiếp tục có mưa to, tổng lượng cả đợt khoảng 100-200mm, có nơi trên 200mm. Các sông sẽ xuất hiện một đợt lũ với mực nước dâng ở thượng lưu khoảng 2-5m, ở hạ lưu 1-3m.