Cây sâm độc gây suy hô hấp xâm lấn nước Mỹ
Một loài thực vật có thể gây chết người nếu ăn phải đang lan rộng khắp các công viên, bồn hoa và vườn sau nhà ở 43 bang của Mỹ.
Sâm độc (Conium maculatum) có nguồn gốc từ châu Âu trông giống như một loài thực vật có hoa vô hại. Tuy nhiên, mỗi bộ phận của nó đều chứa độc tố alcaloid, đặc biệt là ở hạt và nhựa, có thể gây nổi mụn, phồng rộp và đốm da nếu tiếp xúc, thậm chí dẫn đến tử vong do suy hô hấp nếu ăn phải. Một số dấu hiệu ngộ độc khác bao gồm run rẩy, tiết nước bọt, giãn đồng tử, tê liệt cơ và mất khả năng nói.
Sâm độc ra hoa dạng chùm màu trắng. (Ảnh: Cơ quan Quản lý Sinh vật xâm lấn Nam Indiana).
Loài thực vật thuộc họ Hoa tán này lần đầu tiên được đưa tới Mỹ vào những năm 1800 như một loại cây trồng làm đẹp sân vườn, nhưng trong một báo cáo gần đây, các nhà khoa học cảnh báo, chúng đã trở thành sinh vật xâm lấn nguy hiểm khi lan rộng khắp 43 bang của Mỹ, từ ven đường, mương rãnh, công viên, bồn hoa, đền các khu vực đông dân cư.
"Điều này có chút đáng sợ đối với tôi bởi Conium maculatum rất độc. Trẻ em và vật nuôi có thể tiếp xúc và ăn nó. Đây không phải là loại cây mà bạn nên trồng quanh nhà hoặc tại công viên địa phương", nhà sinh vật học Dan Shaver từ Dịch vụ Bảo tồn Tài nguyên Thiên nhiên bang Indiana (NRCS) nói với USA Today.
Sâm độc rất dễ nhầm với các loài thực vật khác trong họ Hoa tán. Lá của nó trông giống lá mùi tây, trong khi hạt và rễ có nhiều điểm tương đồng với loài tiểu hồi cần hay dương hồi.
Thân và cuống lá của cây sâm độc có đốm màu tím đặc trưng. (Ảnh: Bộ Nông nghiệp Mỹ).
Conium maculatum là loài cây có chu kỳ hai năm. Trong năm đầu tiên, nó cho ra một cụm lá tua rua mọc sát mặt đất, nhưng sang năm thứ hai, cây vươn cao từ 1,2 đến 1,8 m, thậm chí cao hơn. Một đặc điểm giúp nhận biết sâm độc là nó có nhiều đốm màu tím chạy dọc thân và cuống lá, theo Dịch vụ Công viên Quốc gia Mỹ.
Mặc dù chỉ tồn tại được hai năm, mỗi cây sâm độc vẫn kịp phát tán hàng nghìn hạt giống độc hại trước khi chết. Thời gian phát tán hạt thường diễn ra vào thời gian này trong năm.
Shaver cho biết một trong những cách chính mà Conium maculatum lây lan là thông qua việc cắt cỏ. Bên cạnh đó, khí hậu ẩm ướt và mát mẻ cũng góp phần vào sự bùng nổ của chúng.
Để kiểm soát sâm độc, các nhà nghiên cứu khuyên rằng cần nỗ lực nâng cao nhận thức của mọi người về loài thực vật này. Nếu nhìn thấy chúng, người dân nên liên hệ với các cơ quan phụ trách địa phương. Thời điểm tốt nhất để loại bỏ sâm độc là vào tháng 4, bởi cây bắt đầu ra hoa vào tháng 5 và phát tán hạt vào tháng 7.

Hoa Poppy - Hoa biểu trưng của nước Bỉ
Cây Poppy là thực vật thân thảo, tuổi thọ khoảng 2 năm. Tháng 4, 5 nở hoa màu tím, trắng, đỏ và phớt hồng, rất đẹp. Nó có nguồn gốc từ Châu Âu và Bắc Châu Á, người Bỉ rất thích coi là biểu trưng của nước mình.

Kỳ lạ loài nấm “che mặt” như mỹ nhân, quý hiếm nhất Việt Nam
Nấm Tâm Trúc là một trong những loài nấm quý hiếm nhất Việt Nam bên cạnh nấm linh chi, nấm Thái Dương, nấm Thượng Hoàng...

Thực trạng ngành công nghệ sinh học Trung Quốc
Chính phủ Trung Quốc xem công nghệ sinh học nông nghiệp là một công cụ để: giúp cải thiện nguồn lương thực của quốc gia, tăng năng suất nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân, thúc đẩy sự phát triển bền vững và cải thiện vị trí cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Loài hoa quý hiếm nhất nhì hành tinh, cứ trời mưa là "tàng hình"
Khi tiếp xúc với nước, những bông hoa có màu trắng như ngọc trai bắt đầu chuyển sang dạng trong suốt như thủy tinh.

Thì ra đây là danh tính thủ phạm tạo ra những chiếc bọc tí hon kỳ lạ trên tường nhà chúng ta
Có phải đã ít nhất một lần bạn tò mò về cái bọc kỳ lạ dính trên tường này? Hôm nay chúng ta sẽ biết đáp án.

Cận cảnh loại bướm có tên trong sách đỏ Việt Nam
Theo “Sách đỏ Việt Nam”, bướm khế có tên khoa học là Attacus atlas, cấp độ đe dọa xếp vào mức R (Rare: Hiếm, có thể sẽ nguy cấp). Loài bướm này được ghi nhận có kích thước lớn nhất ở nước ta và trên thế giới.
