Chào Steve, hiện tượng cực quang đẹp tuyệt vời mới được phát hiện!
Những người phát hiện ra nó đặt tên hiện tượng bí ẩn này theo ... một bộ phim hoạt hình.
Khoa học không phải trò đùa! Đấy là người nghiêm túc sẽ nói thế, còn lại chẳng ai ngăn cấm các nhà khoa học vui vẻ một chút sau nhiều năm trời học tập và nhiều tháng ngày nghiên cứu cả.
Tin vui là họ vẫn vui vẻ với công việc ấy, tin vui hơn là họ đã giỏi khoản đặt tên cho các khám phá của mình hơn rồi. Hãy tạm gác lại Boaty McBoatface (giải thích bên dưới) đi, bởi một nhóm các nhà quan sát cực quang vừa đặt tên cho một hiện tượng cực quang là "Steve". Chẳng vì lý do gì cả, với họ thì cái tên Steve hoàn toàn phù hợp để gán cho một hiện tượng bí ẩn nhờ ánh sáng trên trời cao.
Trước khi bạn cho rằng cái tên Steve có thể tới từ nhà vật lý học nổi tiếng, giáo sư Stephen Hawking hay nhà vật lý lý thuyết Steven Weinberg thì dừng lại đi, bởi nhóm Facebook Alberta Aurora Chasers – Những Kẻ đuổi theo Cực quang Alberta xác nhận rằng họ đặt Steve theo một bộ phim hoạt hình. Đó là bộ phim Over the Hedge, khi mà các con vật trong phim quyết định đặt tên cho cái hàng rào là Steve để khiến cho nó không còn quá đáng sợ nữa.
Nhưng không có gì đáng sợ ở hiện tượng cực quang kì lạ cả. Những hình ảnh về Steve cho thấy nó là một dải sáng nhấp nháy trên Bán Cầu Bắc, được cho là một hiện tượng thuộc loại cực quang proton.
"Xin tự giới thiệu, tên tôi là Steve".
Có thể bạn quen hơn với những cực quang giống một dải sáng như dải lụa vắt ngang bầu trời, gây ra bởi những dòng hạt tích điện bị kéo xuống Trái Đất bởi từ trường, phát sáng khi va chạm với bầu khí quyển. Bởi electron mang điện va vào nhiều loại khí gas khác nhau, ta sẽ thấy cực quang có nhiều màu sắc khác nhau.
Proton (hạt ánh sáng) cũng có thể làm được những gì electron làm, nhưng khác với các hạt mang điện, bước sóng tạo ra khi proton va chạm lại không thể thấy bằng mắt thường. Nhà vật lý học Eric Donovan từ Đại học Calgary, Canada hiểu rõ sự khác biệt này nên ông cho rằng những bức ảnh trên không phải là cực quang proton, chúng là một hiện tượng hoàn toàn khác.
Kết hợp những thông tin có được từ thời gian và địa điểm diễn ra Steve cùng với sứ mệnh từ trường Swarm của ESA, Donovan bắt đầu phân tích những điểm bất thường của hiện tượng cực quang này.
Cực quang mang tên Steve đây.
"Khi mà vệ tinh bay thẳng qua Steve, thông số từ thiết bị đo điện trường chỉ ra những thay đổi rất rõ rệt", Donovan nói. "Nhiệt độ ở 300 km tính từ mặt đất tăng khoảng 3.000 độ C và thông số cho thấy một dải khí gas rộng 25 km chảy về phía Tây với vận tốc 6 km/s (21.600 km/h), vận tốc của hai bên dải khí gas này chỉ là 36 km/s".
Donovan và đội ngũ nghiên cứu có đôi lời phỏng đoán về hiện tượng này, nhưng họ sẽ giữ bí mật cho tới khi chắc chắn được Steve là ai (là hiện tượng gì) trước khi công bố kết quả nghiên cứu của mình.
"Hóa ra Steve là hiện tượng rất thường gặp, nhưng trước đây chúng ta vẫn chưa phát hiện ra. May mà ngày nay ta có sự giúp đỡ của các trạm thiên văn mặt đất, các vệ tinh, việc truy cập thông tin dễ dàng hơn bao giờ hết và một đội ngũ 'các nhà khoa học' ở bất kì hộ gia đình nào tham gia nghiên cứu", Donovan hồ hởi nói.
Lực lượng nghiên cứu tới từ những nhà thiên văn, nhà nghiên cứu vũ trụ nghiệp dư đang giúp ích rất nhiều cho công cuộc khám phá nói chung. Bạn chắc hẳn đã nghe thấy việc một thợ cơ khí vừa khám phá ra một hệ sao mới sau khi xem chương trình truyền hình khoa học
Và cuối cùng, cái tên Steve có thể còn có nghĩa nữa cơ! Một người thuộc nhóm Alberta Aurora Chasers nói rằng Steve có thể là tên viết tắt của Strong Thermal Emission Velocity Enhancement – Sự phóng nhiệt mạnh Tăng cường có vận tốc lớn.