Chấp nhận cảm xúc tức giận mang lại lợi ích bất ngờ cho con người
Chúng ta thường được khuyên rằng nên tập trung vào những điều tích cực, tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây cho thấy thực chất việc “nổi đóa” lại có thể mang tới những lợi ích không ngờ.
Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nhân cách và Tâm lý Xã hội (Mỹ), nếu so sánh với trạng thái cảm xúc bình thường, sự tức giận có tác dụng thúc đẩy con người vượt qua trở ngại và đạt được mục tiêu.
Một nhóm sinh viên tại Đại học Texas A&M đã tham gia vào một loạt 7 thí nghiệm. Các học giả đã khơi dậy sự tức giận bằng cách cho sinh viên xem những hình ảnh xúc phạm trường học của họ, chẳng hạn như những người mặc áo sơmi Aggie mặc tã và mang theo bình sữa trẻ em.
Việc “nổi đóa” hóa ra lại có thể mang tới những lợi ích không ngờ.
Heather C Lench, tác giả chính của nghiên cứu và là Giáo sư khoa Khoa học Tâm lý và Não bộ tại Đại học Texas A&M cho biết: “Kết quả thí nghiệm vô cùng khả quan”.
Nghiên cứu cho thấy sự tức giận giúp sinh viên giải được nhiều câu đố hơn. Khi tham gia vào một trò chơi máy tính được lập trình người chơi không thể thắng, nhóm sinh viên đã vô cùng tức giận, điều này khiến khả năng xử lý thông tin của họ tốt hơn và tốc độ phản ứng cũng nhanh hơn.
Một số thí nghiệm khác cũng cho thấy sự tức giận có thể có lợi.
Tiến sỹ Lench nói: “Trong một thời gian dài, nhiều quan điểm cho rằng lạc quan chính là ‘thước đo’ của một cuộc sống tốt đẹp và đó là điều nên phấn đấu đạt được. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy một cuộc sống được cân bằng bởi sự kết hợp của nhiều cảm xúc dường như mang lại cảm giác hài lòng và tích cực hơn về lâu dài”.
Kiểm soát cơn tức giận
Chúng ta luôn được khuyên rằng phải gạt bỏ cảm xúc tiêu cực và tập trung vào những điều tích cực. Nhưng các chuyên gia cho rằng việc không ngừng tích cực và dựa vào những điều vui vẻ vô vị - hay còn gọi là “sự tích cực độc hại,” có thể ảnh hưởng tiêu cực tới chúng ta.
“Hầu hết các cách diễn đạt tích cực đều thiếu đi sự tinh tế, lòng trắc ẩn và sự tò mò,” nhà trị liệu Whitney Goodman viết trong cuốn sách “Toxic Positivity” (Tạm dịch: Sự tích cực độc hại).
Theo Goodman, tích cực độc hại thường không chấp nhận sự phức tạp và đa chiều trong cảm xúc của con người.
Tất cả các cảm xúc, kể cả sự tức giận, đều có ích đối với của bạn. (Ảnh: iStock).
Sự thật là tất cả cảm xúc đều có ích. Ethan Kross, Nhà tâm lý học và Giám đốc Phòng thí nghiệm Cảm xúc và Tự chủ tại Đại học Michigan, cho biết: “Chúng ta tiến hóa để trải qua những cảm xúc tiêu cực”.
Ông nói thêm: “Sự tức giận thường xuất hiện sau khi con người trải qua sự xúc phạm và tin rằng bạn có thể sửa chữa tình hình. Cảm xúc này có thể mang lại năng lượng, đồng nghĩa với việc tạo động lực để tìm kiếm sự công bằng hoặc sửa đổi tình huống mà chúng ta cảm thấy không hài lòng”.
Giải tỏa cơn tức giận
Trước hết, ta cần phải nhận thức được bản thân đang cảm thấy tức giận.
Daniel L Shapiro, Phó Giáo sư Tâm lý học tại Trường Y Harvard và Bệnh viện McLean, đồng thời là tác giả của cuốn “Negotiating The Nonnegotiable” (Tạm dịch: Đàm phán không thể thương lượng), cho biết: “Nghe có vẻ hiển nhiên nhưng thực tế không phải vậy.”
Hãy tự hỏi: Hiện tại tôi đang cảm thấy thế nào? Vấn đề này là gì?
Tiến sỹ Shapiro nói: “Chúng ta tức giận khi cảm thấy có một trở ngại nào đó đang cản trở. Sự tức giận cũng có thể xuất phát từ những cảm xúc khiến chúng ta xấu hổ, nhục nhã hoặc cảm giác không được đánh giá cao".
Ông nói thêm, trong một số trường hợp, sự tức giận có thể bùng phát khi con người cảm thấy mối đe dọa đối với danh tính của mình, chẳng hạn như niềm tin hoặc giá trị bản thân đang bị tấn công.
“Đặt mục tiêu” khi tức giận
Khi cơn giận bùng phát, cần lưu ý tới mục tiêu tổng thể, nếu không, cơn giận có thể nhanh chóng vượt khỏi tầm kiểm soát và dẫn tới những phản ứng quá mức.
Tiến sỹ Lench cho biết một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong trường hợp bạn tranh cãi với vợ/chồng của mình, việc bày tỏ sự tức giận và thảo luận đối đầu có thể giúp cả hai hiểu nhau hơn, miễn là mục tiêu của bạn là nhằm củng cố mối quan hệ giữa hai vợ chồng.
Một cuộc thảo luận gay gắt nhưng có mục tiêu xây dựng giúp bạn ảnh hưởng đến người đối diện một cách tích cực hơn. (Ảnh: iStock)
Tuy nhiên, nếu chỉ quan tâm đến việc chứng minh quan điểm của mình là đúng và giành phần thắng trong cuộc tranh luận thì điều này lại khiến bạn “hung hăng một cách có hại”.
Tiến sỹ Shapiro tư vấn, để cuộc thảo luận mang tính xây dựng, hãy đặt mình vào vị trí của đối phương để xem họ cảm thấy thế nào và nhìn vào vấn đề từ góc nhìn của họ. Điều này giúp bạn có khả năng ảnh hưởng đến người đối diện một cách tích cực hơn.
Nếu cơn giận của bạn đang lấn át tất cả, hãy bước ra ngoài, hít thở để bình tĩnh lại.
Tại nơi làm việc, cảm xúc tức giận còn có thể giúp bạn tăng hiệu suất làm việc.
David Lebel, Phó Giáo sư tại Trường Kinh doanh Katz, trực thuộc Đại học Pittsburgh, lấy ví dụ về trường hợp một nhân viên không được đánh giá năng lực cao hàng năm hay không được thăng chức sẽ cảm thấy tức giận, từ đó lên kế hoạch để hoàn thành công việc tốt hơn trong năm tới.
- Điều gì xảy ra với não bộ và cơ thể bạn khi tức giận?
- Phát hiện "lợi ích" không ngờ của sự tức giận
- Đừng bao giờ đi ngủ khi đang cáu giận nếu bạn không muốn về sau phải hối hận