Chế độ ăn uống giúp trẻ tăng chiều cao và cân nặng
Để khắc phục tình trạng thấp còi ở trẻ, cần có một chế độ ăn giàu dinh dưỡng đủ 4 nhóm, tăng cường dầu mỡ, thức ăn nên nấu đặc sẽ cung cấp nhiều năng lượng hơn.
- 12 thực phẩm giúp tăng chiều cao
- Trẻ thiếu kẽm sẽ còi cọc và chậm dậy thì
- Dinh dưỡng cho tuổi dậy thì
Chế độ dinh dưỡng khắc phục tình trạng thấp còi cho trẻ
Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Thị Minh Nguyệt, tình trạng suy dinh dưỡng, thấp còi để lại rất nhiều hậu quả, tác động nghiêm trọng đến sự phát triển hoàn thiện về thể chất và trí tuệ, ảnh hưởng rất nhiều đến tương lai của trẻ.
Ảnh minh họa: Health.
Khi con bị suy dinh dưỡng thấp còi, cha mẹ cần quan tâm theo dõi và điều trị kịp thời cộng với một chế độ dinh dưỡng, chăm sóc đặc biệt mới có hiệu quả. Bác sĩ Nguyệt chia sẻ phương pháp chăm sóc trẻ bị suy dinh dưỡng như sau:
Chế độ dinh dưỡng đặc biệt
Dựa vào mức độ suy dinh dưỡng của trẻ mà cha mẹ nên có cách chăm sóc riêng. Đối với trẻ bị suy dinh dưỡng nhẹ (độ một và hai) có thể tự điều trị bằng cách thay đổi chế độ ăn hợp lý, khoa học. Bên cạnh đó cần lưu ý:
- Tăng dầu mỡ: Vì dầu mỡ cung cấp năng lượng gấp đôi chất bột và chất đạm. Mỗi bát bột, cháo hoặc cơm của trẻ cần có từ một đến hai muỗng canh dầu hoặc mỡ (5 – 10g).
- Nấu đặc: Thực phẩm nấu loãng chỉ có phần lớn là nước thì năng lượng sẽ thấp, nhưng nấu đặc trẻ sẽ khó ăn. Do đó nên dùng men amylase (có trong bột mộng bắp, giá đậu, rau mầm...) cho vào chén bột đặc sẽ làm bột lỏng ra, trẻ sẽ dễ ăn hơn.
Tăng cường chất dinh dưỡng ở mức cao
- Tăng bữa ăn: Mỗi ngày cho trẻ ăn 5-6 bữa thay vì chỉ ăn 3 bữa chính. Nên cho trẻ ăn thêm bữa tối trước khi ngủ. Nên ăn thêm bữa phụ, ví dụ như sau khi ăn bữa chính nếu trẻ ăn ít hơn nửa chén thì cho uống nửa ly sữa, nửa cốc sữa chua, nửa quả chuối...để cung cấp thêm chất dinh dưỡng và đỡ chán ăn.
Lưu ý: Nên cho trẻ ăn thêm mỗi thứ một nửa so với bình thường để bé ăn vừa sức. Không nên ép ăn hết khi trẻ đã chán vì làm thế, trẻ sẽ nôn ra, dẫn đến sợ ăn và biếng ăn về sau.
- Tăng cường chất dinh dưỡng: Chế biến thức ăn cho trẻ đủ chất tức là đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng gồm bột đường, đạm, béo, rau củ trái cây trong mỗi bữa.Chú ý cho bé ăn cả cái chứ không chỉ hầm lấy nước, khi chế biến phải băm nhỏ, nấu mềm và nêm phù hợp với khẩu vị của trẻ. Các béthường ăn nhạt và không thích có nhiều mùi gia vị, những thực phẩm thích hợp với trẻ nhỏ là trứng, thịt băm, cá băm, rau. Tất cả nên xắt nhỏ.
Khi bổ sung dưỡng chất đặc biệt cho trẻ, nên lựa chọn những sản phẩm đã được kiểm nghiệm lâm sàng, đạt tiêu chuẩn về hàm lượng dinh dưỡng, chất đạm, béo...do Viện Dinh dưỡng Quốc gia quy định.
Giữ gìn vệ sinh ăn uống và môi trường sạch sẽ
Khi ở trong tình trạng suy dinh dưỡng, sức khỏe của trẻ bị đe dọa do hệ miễn dịch suy giảm khiến các em dễ mắc bệnh nhiễm khuẩn như tiêu chảy, viêm đường hô hấp, ốm vặt mỗi khi thời tiết thay đổi. Vì vậy các bậc cha mẹ cần chăm sóc con kỹ hơn.
Đảm bảo cho trẻ ăn chín uống sôi, ăn ngay sau khi nấu. Không nên cho bé ăn các món đã để ngoài không khí quá 3 giờ dù có hâm lại. Tập cho trẻ thói quen rửa tay trước và sau khi ăn. Các dụng cụ cần được rửa sạch trước khi chế biến thực phẩm.
Ngoài ra phải giữ cho trẻ ăn, ngủ, vui chơi nơi thoáng mát, sáng sủa sạch sẽ. Đồ dùng, đồ chơi của trẻ cần sạch sẽ, khô ráo. Có đủ nước sạch dùng cho sinh hoạt và nấu thức ăn cho trẻ. Để rác thải kín, xa nơi ở, tránh ruồi muỗi đậu.
Luôn tạo cho bé trạng thái tinh thần tốt nhất
Tâm lý cũng là một yếu tố ảnh hưởng tới sự phát triển thể chất của trẻ nhỏ mà nhiều phụ huynh không để ý đến. Do đó cha mẹ cần theo dõi sự phát triển tâm lý của con để có thể tâm sự với và hiểu rõ bé hơn. Người thân nên âu yếm, vỗ về, biểu lộ tình cảm trìu mến, yêu thương trẻ. Các em cần được khích lệ, chuyện trò, nô đùa, như thế sẽ tạo cơ sở cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Mọi người nên tránh những cử chỉ, lời nói thô bạo trước mặt trẻ.
Phòng bệnh và theo dõi thường xuyên sức khỏe của trẻ
- Đưa bé đi tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch, xổ giun định kỳ 6 tháng một lần cho các em trên 2 tuổi.
- Các bé bị suy dinh dưỡng cần được thường xuyên kiểm tra cân nặng, chiều cao. Nên đưa bé đi khám định kỳ tại các cơ sở y tế để theo dõi tiến triển của cơ thể cũng như có những biện pháp điều trị kịp thời.
Việc phục hồi sau suy dinh dưỡng cần có thời gian
Điều quan trọng nhất khi chăm sóc trẻ suy dinh dưỡng là cha mẹ cần thật kiên trì, không nên nóng vội mà nản chí.