Chế tạo gạch nổi cho phép xây dựng trên mặt nước
Công ty SeaBrick có trụ sở tại Canada đang phát triển những viên gạch từ tảo có thể làm nền móng cho các công trình nổi trên biển.
Gạch nổi SeaBrick làm từ tảo bẹ. (Ảnh: Seasteading)
Với mực nước biển dâng cao, nhiều thành phố và thậm chí cả quốc gia có nguy cơ bị nhấn chìm. SeaBrick đang hướng đến việc xây dựng các cơ sở hạ tầng trên mặt nước nhờ những viên gạch nổi thân thiện với môi trường, Interesting Engineering hôm 22/2 đưa tin.
Gạch SeaBrick được mô tả là một hệ thống có thể lồng vào nhau để tạo thành một nền tảng, giống như những miếng ghép Lego. Công ty sử dụng tảo bẹ từ đại dương để làm cho chúng nổi. Một số thành phần cần thiết khác gồm đất sét đỏ bao phủ 38% đáy đại dương và tảo mơ, một loại tảo lớn màu nâu thường mọc quá mức ở vùng nước ven biển, gây rắc rối cho môi trường sống địa phương.
Trong khi các chính phủ và tổ chức phi chính phủ mất nhiều thời gian và tiền bạc để loại bỏ tảo mơ, việc sử dụng gạch SeaBrick không chỉ giúp làm sạch những vùng nước này mà còn mang lại nguồn thu nhập cho các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi chúng.
SeaBrick có thể mang đến giải pháp xây dựng mang tính cách mạng trên biển. (Ảnh: Seasteading).
Sản xuất tảo bẹ và tảo mơ cũng giúp cô lập carbon từ khí quyển với hiệu quả gấp hơn 20 lần so với rừng trên đất liền. So với các công trình bê tông nổi, sử dụng gạch SeaBrick trong xây dựng ước tính sẽ tiết kiệm 72% chi phí, trong khi tạo ra lượng khí thải carbon ít hơn, theo Seasteading, viện nghiên cứu được thành lập để hỗ trợ xây dựng các cộng đồng di động trên những nền tảng nổi trong vùng biển quốc tế.
SeaBrick đã hợp tác với Seasteading với tầm nhìn chung là "để khử carbon cho lĩnh vực xây dựng toàn cầu, đồng thời hỗ trợ các cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương". Nhà sáng lập SeaBrick tin rằng việc sử dụng gạch nổi làm từ tảo bẹ và tảo mơ có thể giúp hành tinh cô lập vĩnh viễn hàng triệu tấn CO2.
Ngoài ra, công nghệ này cũng có thể hỗ trợ các dự án năng lượng xanh như nhà máy điện gió, điện thủy triều và năng lượng mặt trời ngoài khơi, giúp chúng ta chuyển từ nền kinh tế dựa trên khai thác hiện nay sang nền kinh tế tái tạo, trong đó tảo bẹ đã qua sử dụng có thể được tái sinh dễ dàng.