Chế tạo ra pin hiệu suất cực cao từ những thứ chúng ta vẫn vứt đi hàng ngày
Loại pin mới vừa rẻ, vừa dễ chế tạo, lại có hiệu suất cực cao và bền.
Thùng rác của một người có thể là gia tài của một người nào đó, hoặc ít nhất là nguyên liệu để tạo ra những viên pin hiệu suất cao. Trợ lý giáo sư Cary Pint, một người nghiên cứu về kỹ thuật cơ khí tại Đại học Vanderbilt đã thành công trong việc chế tạo ra những viên pin mới từ chính những thứ chúng ta vẫn vứt đi hàng ngày.
Cary pint (bên phải) và các đồng nghiệp của mình.
Những viên pin của Cary Pint có kích thước nhỏ, được chế tạo từ thép, đồng và loại hóa chất gia dụng phổ biến kali hydroxit (có trong chất tẩy rửa, thuốc nhuộm...). Những viên pin này có thể lưu trữ mức năng lượng tương tự như pin axit-chì truyền thống, nhưng lại có thể sạc và xả với tốc độ cực nhanh giống như tính chất của siêu tụ điện.
Ưu điểm lớn nhất của loại pin mới này là chi phí sản xuất rất thấp, có thể tận dụng nguồn nguyên liệu từ rác thải và không có các hóa chất độc hại. Theo ông Cary Pint, đây là mảnh ghép cuối cùng của một hệ thống năng lượng sạch.
Bởi sẽ không có ý nghĩa gì khi bạn tạo ra năng lượng sạch từ các tấm năng lượng Mặt Trời, nhưng sau đó lại lưu trữ điện năng trong những cục pin axit-chì. Bởi loại pin này gây ảnh hưởng rất xấu tới môi trường và con người.
Loại pin mới nhỏ gọn trong một chiếc bình thủy tinh.
Ông cũng chia sẻ về phương pháp của mình: "Đây là lần đầu tiên có một loại pin sử dụng các nguyên liệu này để chế tạo. Đầu tiên quá trình anodization sẽ tráng một lớp bên ngoài, giúp bề mặt kim loại không bị ăn mòn. Bên ngoài tấm thép sẽ có một lớp oxit sắt, tấm đồng sẽ có một lớp oxit đồng. Sau đó 2 tấm kim loại này được bỏ vào một lọ thủy tinh với dung dịch kali hydroxit".
Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm và cho biết sau 5.000 lần sạc (khoảng 13 năm sử dụng của loại pin bình thường), hiệu suất của loại pin mới vẫn đạt 90%. Tuy nhiên đây mới chỉ là nguyên mẫu thử nghiệm.