Chim biết cách tránh "loạn luân"
Một nghiên cứu giúp các nhà khoa học phát hiện bí quyết giúp chim biển tránh được họ hàng của chúng trong quá trình tìm kiếm bạn tình để giao phối.
Cho đến gần đây nhiều nhà khoa học vẫn nghĩ rằng chim phân biệt họ hàng của chúng nhờ âm thanh và hình dáng bên ngoài.
Tiến sĩ Francesco Bonadonna, một chuyên gia của Trung tâm Sinh thái Chức năng và Tiến hóa tại Pháp, cùng các đồng nghiệp muốn tìm hiểu nguyên nhân khiến các loài chim nhận ra họ hàng của chúng trong quá trình tìm bạn đời, nhờ đó mà tình trạng giao phối cận huyết không xảy ra, BBC đưa tin.
Để tìm hiểu, nhóm nghiên cứu theo dõi loài hải âu báo bão châu Âu (Hydrobates pelagicus). Họ dùng các miếng gạc bông thu thập mùi của từng con chim trên đảo Isla de Benidorm của Tây Ban Nha. Do đã nghiên cứu hải âu trên đảo này trong 18 năm nên các chuyên gia biết chính xác những con có mối quan hệ huyết thống. Họ chưa bao giờ thấy hai con hải âu có quan hệ họ hàng kết đôi với nhau trên đảo.
Nhóm nghiên cứu đưa một nhóm chim hải âu trưởng thành có quan hệ họ hàng vào một mê cung hình chữ Y. Họ đặt gạc bông có mùi của một con trong đại gia đình của chúng vào một nhánh của mê cùng và đặt gạc bông chứa mùi của một con lạ vào nhánh còn lại.
Kết quả cho thấy phần lớn chim hải âu bước về phía mẫu mùi của kẻ lạ, chứ không chú ý tới mẫu mùi kia. Điều đó cho thấy chúng nhận ra mùi của những con có quan hệ huyết thống với chúng.
Bonadonna cho rằng, do phải dựa vào mùi để nhận ra họ hàng nên nhiều loài chim luôn quay về "quê hương" của chúng để sinh sản. Nhờ đó chúng sẽ tránh được nguy cơ giao phối với họ hàng. Hải âu báo bão châu Âu sống ở khu vực mà chúng được sinh ra trong suốt cuộc đời. Vì thế khu vực ấy cũng là nơi trú ẩn của những con có quan hệ huyết thống với chúng.
"Hải âu báo bão châu Âu thường sống với một bạn tình tới khi chúng chết. Vì thế, nếu chúng kết đôi với một con có quan hệ huyết thống, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng", Bonadonna nói.