Chim gián điệp được trang bị thế nào?
Từ lâu chim bồ câu đã được con người huấn luyện để đưa thư và thậm chí còn làm cả những “điệp viên tình báo” lợi hại. Hiện nay những chú chim này thường được gắn theo các thiết bị thu thập thông tin cực kỳ tinh vi.
Chim bồ câu tình báo được gắn máy ảnh trong thời kỳ chiến tranh thế giới II. (Ảnh: Wired.com).
Thời cổ đại, chim bồ câu là con đường nhanh nhất để truyền tải thông tin. Các tài liệu lịch sử ghi chép để lại cho thấy, từ thế kỷ 6 Trước Công nguyên, vua Ba Tư Cyrus đã sử dụng các con chim bồ câu để gửi thông tin và người Hi Lạp cũng sử dụng chim bồ câu để truyền tin chiến thắng ở Olympic.
Trong suốt thế kỷ 8 ở Pháp, chim bồ câu dẫn đường còn được xem là một biểu tượng của quyền lực. Đến khi cuộc chiến tranh Pháp-Phổ diễn ra vào thế kỷ 19, đồng thời lúc đó sự phát triển của công nghệ microphotography và microfilm đã cho phép mỗi con chim bồ câu đưa thư mang theo hàng nghìn điện tín. Năm 1903, chim bồ câu gắn theo thiết bị chụp ảnh đã được sử dụng cho tình báo quân sự của Đức. Sang Thế chiến I, hầu hết các quân đội ở Châu Âu đều sử dụng chim bồ câu để thông tin liên lạc chiến đấu.
Trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, Iraq vẫn sử dụng chim bồ câu để truyền tải thông tin khi các thiết bị vô tuyến điện bị gây nhiễu. Quân đội Thụy Sĩ cũng kéo dài đội quân chim bồ cầu ít nhất đến năm 1994. Riêng trong quân đội Mỹ, vào năm 1957, đã ngừng sử dụng đội quân chim bồ câu. Nhưng đến năm 1970, lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ lại tiếp tục dự án đào tạo chim bồ câu để tìm kiếm thông tin. Tuy nhiên, Mỹ một lần nữa phải ngưng chương trình này vào năm 1983 do lí do ngân sách.
Đến nay, khi những tiến bộ khoa học-công nghệ không ngừng tăng, các thiết bị thông tin liên lạc và thu thập cũng như truyền tải thông tin không ngừng được cải tiến, không ít người cho rằng, vai trò của chim bồ câu trong lĩnh vực “tình báo” thực sự đã bị lu mờ hẳn. Nhưng câu chuyện vào hồi năm 2008 đã đảo lộn lại suy nghĩ như vậy, khi Iran phát hiện và bắt gọn “chim bồ câu gián điệp” ở gần một trong những cơ sở hạt nhân của mình.
Đặc điểm nhận dạng con chim được bắt tại Iran lúc đó được tiết lộ với đôi chân được đeo những vòng kim loại màu xanh ở chân và gắn theo những sợi dây gần như vô hình. Các chuyên gia lúc bấy giờ nhận định, đây có thể là cách để con chim thu thập và truyền tải các thông tin. Một số nguồn tin tiết lộ, đây là loại chim bản địa của Iran Highflying Tumblers được đào tạo có sức chịu đựng và khả năng nhào lộn trên không rất tốt.
Tuy phía Iran không tiết lộ thêm chi tiết về con chim bồ câu này nhưng theo các chuyên gia, hiện nay chim bồ câu tình báo có thể được trang bị cả công nghệ định vị như GPS. Các nhà nghiên cứu vẫn không ngừng nghiên cứu để biến chim bồ câu thành thứ vũ khí lợi hại. Vì ngay cả các thiết bị hiện đại phát triển thì chim bồ câu vẫn cần thiết trong tình báo do nó có những lợi thế như bí mật và không bị gây nhiễu sóng.
Thậm chí giới khoa học còn tìm cách tích hợp tối ưu hóa các thiết bị điện tử vào chim bồ câu. Chẳng hạn như vào năm 2007, các nhà khoa học Trung Quốc tuyên bố họ đã thử nghiệm thành công việc điều khiển đường bay của chim bồ câu bằng công nghệ điện tử. Nhờ vào việc cấy các thiết bị điện tử tinh vi vào các vùng khác nhau của não chim bồ câu, các nhà khoa học Trung Quốc có thể điều khiển đường bay theo hướng phải, trái hoặc lên hay xuống của con chim thông qua máy tính.