Chụp được "vườn ươm sự sống" ngoài hành tinh cách 1.305 năm ánh sáng
Nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi Đài thiên văn vô tuyến Quốc gia (NRAO - Mỹ) đã xác định được dấu hiệu của "suối nguồn sự sống" trong đĩa tiền hành tinh của một ngôi sao trẻ mang tên V883 Orions.
Theo Sci-News, dữ liệu đột phá được ghi nhận bởi hệ thống quan sát thiên văn vô tuyến mạnh nhất thế giới ALMA, một dự án hợp tác Mỹ - Chile và đặt tại sa mạc "tử thần" Atacama của Chile.
"Mắt thần" của ALMA đã đem lại một dấu hiệu vô cùng quý giá chứng minh giả thuyết rằng nước trên Trái đất - "chiếc nôi" của sự sống - đã có từ trước khi Mặt trời chính thức ra đời. Nước là một trong những yếu tố hàng đầu khiến một hành tinh được xác định là có thể sinh sống được.
Những phân tử mang giá trị như "vườn ươm" sự sống đó cũng được phân tích thông qua sự xuất hiện của đồng vị nặng của hydro là deuterium.
Ảnh đồ họa mô tả V883 Orions và các phân tử mang giá trị như "vườn ươm sự sống" trong đĩa tiền hành tinh của nó - (Ảnh: ESO)
Bởi vì nước đơn thuần và nước nặng chứa deuterium thay cho đồng vị hydro thông thường hình thành trong các điều kiện khác nhau, nên tỉ lệ của chúng có thể được sử dụng để theo dõi thời gian và xác định nơi nước được hình thành.
Ví dụ tỉ lệ này ở một số sao chổi trong hệ Mặt trời được xác định là tương tự tỉ lệ của Trái đất, cho thấy các sao chổi có thể cùng loại với những thứ từng mang nước đến địa cầu sơ khai.
Điều bất ngờ đã xảy ra trong nghiên cứu mới: Tỉ lệ các phân tử nước đơn thuần và nước giàu deuterium của thế giới quanh V883 Orions tương tự như hệ Mặt trời và địa cầu chúng ta.
Chứng minh được nước Trái đất lâu đời hơn Mặt trời và cùng loại với các thế giới xa xôi khác cũng gián tiếp củng cố giả thuyết sự sống và tất cả những gì thiết yếu cho sự sống địa cầu ngày nay đều được ươm mầm trong không gian giữa các vì sao. Nói cách khác, chúng ta là người có nguồn gốc ngoài hành tinh đã được tiểu hành tinh, sao chổi gieo mầm xuống Trái đất, kèm với những thứ cần thiết để chúng ta tồn tại.
Ở thế giới quanh V883 Orions, có thể có những "Trái đất khác" đang ra đời theo cùng một cách.
Nhà thiên văn học Margot Leemker từ Đại học Leiden - Hà Lan, đồng tác giả, giải thích: "Phần lớn nước trong môi trường giữa các vì sao hình thành dưới dạng băng trên bề mặt các hạt bụi nhỏ trong đám mây phân tử. Khi những đám mây này sụp đổ dưới lực hấp dẫn của chính chúng và tạo thành các ngôi sao trẻ, nước sẽ kết thúc trong các đĩa xung quanh chúng".
"Cuối cùng, các đĩa phát triển và các hạt bụi băng giá đông lại để tạo thành một "hệ Mặt trời" mới với các hành tinh, sao chổi..." - ông nói thêm về cách mà thế giới thuộc chòm sao Lạp Hộ (Orion) và cả các thế giới khác, bao gồm thế giới của chúng ta, được ra đời với nước.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nature.
- Sự sống có thực sự đang tồn tại trong mắt bão của sao Mộc không?
- Nga giới thiệu phim điện ảnh đầu tiên quay trong vũ trụ
- NASA phát hiện tiểu hành tinh có thể va chạm Trái đất năm 2046