Chuyên gia dự báo năm nay miền Bắc sẽ đón rét sớm
Dự báo các đợt không khí lạnh xuất hiện sớm hơn so với trung bình nhiều năm. Mùa đông ở Bắc Bộ sẽ đến sớm và rét sớm hơn.
Sáng 13/7, tại hội nghị Phòng chống thiên tai khu vực miền núi phía Bắc năm 2020, nhận định về diễn biến thời tiết từ nay đến cuối năm, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, dự báo, có khả năng xuất hiện khoảng 11 - 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông.
Trong đó, có khoảng 5 - 6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam trong những tháng cuối năm.
Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm.
Ở khu vực Bắc Bộ có khả năng chịu ảnh hưởng của 1-2 bão/áp thấp nhiệt đới trong giai đoạn tháng 8 và 9. Đối với các tỉnh Bắc Trung Bộ (khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế) trong tháng 9 có khả năng chịu ảnh hưởng của 1-2 xoáy thuận nhiệt đới, tháng 10 từ 1-2 xoáy thuận nhiệt đới.
Đối với khu vực Bắc Bộ trong mùa mưa bão tập trung vào giai đoạn từ tháng 8 đến giữa tháng 10, khu vực Bắc Trung Bộ là từ tháng 9 đến tháng 11.
Các đợt nắng nóng còn xảy ra trong tháng 7 ở Bắc Bộ và tháng 7, 8 tại khu vực Bắc và Trung Trung Bộ.
Cũng theo ông Khiêm, có khả năng xuất hiện các đợt không khí lạnh sớm hơn so với trung bình nhiều năm, mùa đông ở Bắc Bộ có khả năng đến sớm và rét sớm hơn.
Nguy cơ mưa lũ miền núi phía Bắc tương tự ở Trung Quốc rất lớn
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, những tháng đầu năm 2020, khu vực miền núi phía Bắc đã xảy ra 92 trận giông, lốc, mưa đá, mưa lớn, trong đó 8 đợt trên diện gây thiệt hại nghiêm trọng về nhà ở với khoảng 54.000 nhà sập, hư hại, tốc mái; 2 trận lũ quét, sạt lở đất; 12 trận động đất…
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp.
Tính đến ngày 30/6, thiệt hại do thiên tai ước tính khoảng 610 tỷ đồng.
Ngoài ra, diễn biến thiên tai trên thế giới và trong khu vực cũng đang hết sức phức tạp. Đặc biệt là khu vực phía Nam Trung Quốc xảy ra mưa lớn kéo dài từ đầu tháng 6 đến nay, gây ngập lụt nghiêm trọng trên diện rộng.
“Lũ lụt ở Trung Quốc đã làm 130 người chết và mất tích, 10.000 ngôi nhà bị cuốn trôi, 20 triệu người bị ảnh hưởng, đe dọa an toàn của đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử. Đây là đập thủy điện lớn nhất thế giới, nếu bị sự cố sẽ gây thảm họa đối với khu vực hạ du”, ông Hiệp nói.
Gần đây nhất, từ ngày 10 - 12/7, mưa lũ ở Lai Châu đã gây thiệt hại đáng kể. Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lai Châu, mấy ngày qua trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa lớn kéo dài trên diện rộng, gây thiệt hại nặng nề về hoa màu và cơ sở hạ tầng giao thông trong tỉnh.
Ông Trần Quang Hoài - Tổng Cục trưởng Tổng Cục Phòng chống thiên tai thông tin, theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến cuối năm, mưa, lũ tập trung vào tháng 8 đến giữa tháng 10, lượng mưa tháng 7 ở mức thấp khoảng từ 10-25%, tháng 9 cao hơn từ 15-30% so với trung bình nhiều năm.
Đỉnh lũ lớn nhất trên các sông suối từ tháng 7-10 phổ biến ở mức BĐ1-BĐ2, các sông suối nhỏ từ BĐ2-BĐ3, cao hơn năm 2019. Lũ quét, sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra tại khu vực vùng núi, đặc biệt khu vực Tây Bắc.
“Với nhiều đặc điểm tương đồng với khu vực phía Nam Trung Quốc, nhất là trong điều kiện vừa trải qua thời kỳ nắng hạn kéo dài, nguy cơ về xuất hiện mưa, lũ lớn tại khu vực miền núi phía Bắc tương tự như đang xảy ra tại Trung Quốc là rất lớn và cần được quan tâm đặc biệt”, ông Hoài nhấn mạnh.
Ông Hoài cũng cho biết, theo nhận định của Viện Vật lý địa cầu, thời gian tới động đất có thể tiếp tục xảy ra, cường độ lớn nhất tại các tỉnh Đông Bắc có thể đến cấp 7, Tây Bắc cấp 8, thậm chí cấp 9 (Điện Biên, Lai Châu, Sơn La...).
"Đây là tình huống hết sức nguy hiểm với người dân, công trình phòng chống thiên tai, cơ sở hạ tầng trong khu vực và nguy cơ sạt lở đất, đặc biệt là khi có mưa lũ lớn", ông Hoài nói.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, với diễn biến của thiên tai trong khu vực thời gian qua, cùng với dự báo cho mùa thiên tai trọng điểm từ nay đến cuối năm, các địa phương cần chủ động ứng phó với các kịch bản bất lợi nhất có thể xảy ra.
Trong đó tập trung đảm bảo an toàn trước nguy cơ xảy ra mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất; tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo; vận hành an toàn hồ chứa, đặc biệt là các hồ xung yếu...