Chuyên gia hiến kế cứu cây quý ở Hà Nội
Các chuyên gia cho rằng, để cứu cây quý gãy đổ đặc biệt các loại cổ thụ, cần cắt bớt cành, tán sau đó dựng lại và khoét rộng diện tích bồn để cây có không gian phát triển hệ rễ.
Bão Yagi quét qua khiến khoảng 17.000 cây gãy đổ trên toàn thành phố Hà Nội, trong đó khoảng 2.000 cây xanh đô thị. Trong văn bản khắc phục hậu quả bão Yagi chiều 8/9, Chủ tịch TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung toàn bộ nhân lực, trang thiết bị để giải tỏa cây đổ, gãy nhằm đảm bảo an toàn giao thông. Cây cần bảo tồn, cây quý hiếm có giá trị, cây nhỏ đường kính dưới 25 cm bị gãy đổ sẽ được đánh giá để trồng lại tại chỗ hoặc đưa về vườn ươm chăm sóc.
TS Triệu Văn Hùng, chuyên gia lâm nghiệp, nguyên Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam, cho rằng đảm bảo cây gãy đổ sống được và phát triển phải cắt bớt cành, tán. Trước khi trồng lại cần khoét rộng diện tích bồn để cây có không gian phát triển hệ rễ.
Với những cây trồng mới thay thế, hoặc đang bị bó gốc bằng bao tải, nilon cần gỡ bỏ. "Nếu để nguyên không tháo bọc, rễ xiên thủng qua rất khó, làm hạn chế phát triển rễ, từ đó cây yếu hơn và dễ bị bật gốc khi có gió", ông Hùng nói.
Ông khuyến cáo cần tham khảo ý kiến chuyên gia trong việc lựa chọn cây trồng đô thị theo định mức công kèm theo cùng các tiêu chuẩn với từng loại cây như trồng đường phố và công viên, trường học về mặt thẩm mỹ, môi trường, màu sắc. "Hiện kỹ thuật trồng cây to đã có tiêu chí và quy định cụ thể, cần thiết khảo sát kỹ về diện tích, không gian của từng địa điểm", ông nói.
Cây sưa đỏ ở phố Hàng Dầu bị bật gốc. (Ảnh: Ngọc Thành).
PGS.TS Đặng Văn Hà, Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và Cây xanh đô thị, trường Đại học Lâm nghiệp, cho rằng bầu cây tạo môi trường giúp cây phát triển bộ rễ trong quá trình ươm, nhưng khi trồng xuống vị trí khác đòi hỏi phải tháo bỏ lớp bầu bọc để rễ cây bám vào đất. "Một số ý kiến cho rằng việc để nguyên cả bầu để trồng nhằm giữ đất cho chắc là quan điểm sai lầm", ông nói.
PGS Hà cho hay, theo quy luật tự nhiên một số loại cây khi lớn lên rễ cọc sẽ tự mất đi và phát triển rễ bên, trong khi một số cây phát triển rễ cọc ăn sâu xuống lòng đất. Khi khai thác đưa cây vào trồng trong đô thị (đa phần là cây có kích thước lớn), hệ thống phần rễ cọc đều bị chặt đứt chỉ có thể phát triển rễ bên. Với cây kích thước càng lớn, phần rễ chặt đi càng nhiều do khó thu hồi toàn bộ hệ thống rễ - đây là hiện tượng chung với cây đô thị hiện nay.
"Nhược điểm nữa ở chỗ kích thước cây đưa vào trồng trong đô thị chưa rõ ràng, có tuyến phố trồng cây có đường kính lên tới 15-20 cm, như thế rất nguy hiểm", ông nhấn mạnh và cho biết nên chọn trồng những cây còn nhỏ, đường kính 8-10 cm nhưng bộ rễ chính cọc phải bảo tồn được để cây phát triển sau này.
Theo PGS Hà, mỗi đô thị có đặc thù riêng về điều kiện tự nhiên, cấu trúc không gian kiến trúc công trình. Do đó, phải quy hoạch và chọn đúng loại cây trồng phù hợp với đặc điểm của từng loại không gian cảnh quan cho mỗi đô thị là yếu tố quan trọng. Đặc biệt, đối với cây trồng đường phố, loại cây này bị tác động bởi yếu tố hạ tầng, yếu tố con người cho nên cần theo dõi chặt chẽ.
Do đó ông Hà đánh giá, với cây xanh đô thị cần quan tâm từ khâu chọn chủng loại, chọn kích thước độ tuổi khi đưa vào trồng, và chuẩn bị đất trồng xung quanh có đủ độ tươi xốp, thoáng khí để rễ phát triển ra được. "Khi diện tích xung quanh chật chội rễ sẽ chỉ phát triển trong phạm vi hẹp, trong khi tán lá trên rậm rạp, không cắt tỉa thường xuyên sẽ dễ dàng gãy đổ khi xảy ra mưa bão", ông nói.
TS Vũ Ngọc Long, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái học Miền Nam đồng tình. Ông cho rằng, khi trồng cây trong đô thị cần thực hiện quy trình tháo bầu đúng kỹ thuật, giúp cây phát triển với bộ rễ bám vào đất.
Nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái học Miền Nam cho biết cây trồng trên vỉa hè ở thành phố lớn, các khu dân cư chủ yếu bộ rễ cọc bị chặt đứt do đặc tính nó cắm sâu vào lòng đất, khó thu hồi toàn bộ. Người trồng sau khi thu hoạch cây bôi thuốc kích thích, giúp cây khôi phục bộ rễ.
TS Triệu Văn Hùng, nguyên Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam lưu ý hiện nay mỗi hố trồng chỉ có kích thước 1,2 - 1,5m quá nhỏ so với yêu cầu sinh trưởng bộ rễ phát triển của cây xanh. "Đơn giản nhất cần tạo hố đủ rộng và đủ sâu cho cây cây để bộ rễ phát triển thoải mái thì sẽ bám chắc hơn", ông nhấn mạnh.
Phố Giang Văn Minh hướng ra Kim Mã (Ba Đình), hai cổ thụ có đường kính gốc 1 m chắn ngang, người dân không thể qua lại. (Ảnh: Ngọc Thành).
Theo thống kê từ Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội (Sở Xây dựng Hà Nội), cây xanh bóng mát trên địa bàn Hà Nội phong phú và đa dạng về chủng loài với 175 loài thuộc 55 họ thực vật. Trên địa bàn 12 quận có hơn 8.000 cổ thụ (có độ tuổi tối thiểu 50 năm hoặc cây có đường kính từ 50 cm trở lên tại chiều cao 1,3 m của cây) gồm các loài chủ yếu như: bàng, bằng lăng, chẹo, đa, lan, lát hoa, lim xẹt (muồng thẫm), long não, muồng đen, hoa sữa, sao đen, sấu, sưa, xà cừ, phượng vĩ.
- Bão Yagi quét qua Hà Nội làm ba người chết, 2.800 cây đổ
- Cổ thụ bật gốc ngổn ngang ở trung tâm Hà Nội sau bão Yagi
- Lý do hàng loạt cây xanh ở Hà Nội bật gốc sau bão số 3 (Yagi)