Cổ mộ 3.000 năm có thể chứa kho báu của hoàng tử Scythia
Một nhà khảo cổ học người Đức tìm thấy ngôi mộ lâu đời nhất thuộc về một hoàng tử của tộc người chiến binh Scythia ở Siberia.
Ngôi mộ mai táng cổ đại được cho thuộc về một hoàng tử của Scythia thế kỷ 9 trước Công nguyên được một nhà khảo cổ học người Thụy Sĩ Gino Caspari phát hiện, theo International Business Times hôm 12/1 đưa tin. Đây có thể là ngôi mộ mai táng lâu đời nhất và lớn nhất từng tìm thấy ở Siberia, có thể chứa những báu vật còn nguyên vẹn, giúp giới nghiên cứu hiểu hơn về tộc người chiến binh sống cách đây hơn 2.500 năm.
Một số ngôi mộ lâu đời của hoàng tộc Scythia bao gồm cấu trúc đá với các gian mộ sắp xếp theo hình tròn. Tường gian mộ dựng từ những khúc gỗ thông và những đồ mai táng thường thấy trong mộ gồm vũ khí, yên cương cưỡi ngựa cũng như đồ trang trí theo phong cách động vật.
Người Scythia là những chiến binh trên lưng ngựa. (Ảnh minh họa: IB Times).
"Phương pháp của các nhà khảo cổ học trở nên tinh vi hơn nhiều so với những năm 1970. Ngày nay, chúng ta có những cách hoàn toàn khác để kiểm tra vật liệu nhằm tìm hiểu nhiều hơn về sự chuyển tiếp từ cuối thời Đồ đồng sang thời Đồ sắt", Caspari cho biết trong báo cáo đăng trên tạp chí Nghiên cứu Khảo cổ học châu Á.
Với tài trợ từ Hiệp hội Khoa học Quốc gia Thụy Sĩ (SNSF), Caspari tới chỗ ngôi mộ mai táng Arzhan 0 hay Tunnung 1 nằm ở khu vực được biết tới như "Thung lũng các vị vua của Siberia". Ngôi mộ mới phát hiện cách di chỉ Arzhan 1, vốn được cho là mộ hoàng tử Scythia lâu đời nhất trong khu vực, khoảng một kilomet. "Di chỉ thời tiền sử cách khu định cư gần nhất 5 tiếng đi bằng xe địa hình", Caspari chia sẻ.
Caspari cho rằng vị trí khó tiếp cận của di chỉ có thể chỉ ra ngôi mộ mai táng chưa bao giờ bị những kẻ cướp mộ nhòm ngó và nhiều khả năng chứa báu vật. Trong khoảng năm 2001 - 2004, một nhóm nhà khảo cổ học Đức phát hiện một di chỉ mai táng thời Đồ đồng chưa bị cướp, chứa số lượng đồ tạo tác lớn nhất. Hơn 1.000 đồ vật được khai quật từ ngôi mộ này, trong đó có những vũ khí trang trí tinh xảo và một chiếc vòng cổ hoàng gia làm từ vàng nguyên khối nặng hai kilogram.
"Nếu may mắn, chúng tôi có thể tìm thấy những bức chạm khắc bằng gỗ được bảo quản tốt hoặc thảm bên dưới lớp đá, hoặc có thể là xác ướp đóng băng", Caspari hy vọng.