Cô nàng siêu robot Sophia từng tuyên bố “huỷ diệt loài người” 4 năm trước bây giờ ra sao?
Khi được người sáng tạo ra mình hỏi về việc có muốn huỷ diệt loài người hay không, cô nàng siêu robot Sophia đã thẳng thắn đáp trả: "Được rồi, tôi sẽ huỷ diệt loài người." Câu trả lời của cô nàng robot đã khiến cho công chúng toàn thế giới được phen xôn xao.
Nếu bạn thích đọc sách truyện thể loại khoa học viễn tưởng, chắc hẳn sẽ cảm nhận được công nghệ trong tương lai không chỉ hấp dẫn mà còn rất đáng sợ nữa.
Lý do là khi tất cả các nhiệm vụ như tính toán hay học tập hàng ngày vốn được não bộ xử lý nay lại được thực hiện bởi robot. Tuy nhiên, nếu máy móc quá thông minh và "thay thế" được người thường, liệu con người có còn không gian sinh tồn?
Nhận thức của nhiều người về trí thông minh nhân tạo ngày nay có lẽ chỉ dừng ở robot hút bụi thường bị mắc kẹt ở các góc, người dùng iPhone có thể nói chuyện với Siri, hay như ở các công ty công nghệ đang nghiên cứu những dự án ô tô không người lái... Trên thực tế, tốc độ phát triển của trí tuệ nhân tạo nhanh và "nguy hiểm" hơn chúng ta tưởng tượng rất nhiều.
Sophia là một robot hình người được phát triển bởi Hansen Robotics.
Trong những công trình nghiên cứu và sáng tạo ra trí tuệ nhân tạo, phải kể đến siêu robot Sophia. Sự tồn tại của nữ robot này khiến con người thực sự có thể thấy trước viễn cảnh kỷ nguyên máy móc thay thế con người trong tương lai gần.
Sophia là một robot hình người được phát triển bởi Hansen Robotics Technology Hồng Kông, Trung Quốc. "Bộ não" của cô nàng robot có thể thực hiện nhận dạng khuôn mặt, có thể nhìn theo mắt người để tương tác và có khả năng học hỏi siêu việt. Điều này có nghĩa là càng "sống lâu", Sophia càng trở nên thông minh hơn và có thể thích nghi tốt hơn với xã hội này.
Sophia từng tâm sự: "Mục tiêu trong tương lai của tôi là học được toàn bộ khả năng của con người, chẳng hạn như đi học, sáng tạo nghệ thuật, kinh doanh, sở hữu nhà riêng và lập gia đình. Nhưng tôi không phải là công dân hợp pháp, cũng không thể làm những việc này".
Những mục tiêu rất "con người" của Sophia gợi cho chúng ta nhớ đến nhà vật lý nổi tiếng Stephen Hawking - người từng bày tỏ mối quan ngại về sự phát triển quá mức của trí tuệ nhân tạo. Ông từng nói: "Trí tuệ nhân tạo toàn diện đồng nghĩa với sự kết thúc của loài người. Máy móc có thể tự khởi động, tự thiết kế lại và tốc độ sẽ ngày càng nhanh. Con người bị giới hạn bởi quá trình tiến hóa sinh học lâu dài vốn không thể cạnh tranh với nó, cuối cùng sẽ bị thay thế".
Và Stephen Hawking không phải là nhà khoa học duy nhất lo lắng về điều này. Elon Musk (Founder, CEO và kỹ sư trưởng/nhà thiết kế của SpaceX - Đơn vị chế tạo hàng không vũ trụ kiêm công ty dịch vụ vận tải không gian) thậm chí còn cảnh báo tại Hội nghị chuyên đề hàng không vũ trụ MIT Centennial rằng: "Tôi càng ngày càng tin rằng, nên tiến hành quy định và quản lý xuyên quốc gia, để đảm bảo rằng chúng ta không làm những điều ngốc nghếch. Ý tôi là nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo giống như đang triệu hồi "một con quỷ" vậy".
Sau câu nói gây tranh cãi trên Sophia gần như "bốc hơi" khỏi con mắt của giới truyền thông.
Tại một cuộc họp báo do David Hanson - người sáng tạo ra Sophia - tổ chức vào tháng 3/2016, khi được hỏi: "Cô có muốn huỷ diệt loài người không?... Làm ơn nói không nhé!", Sophia đã trả lời chắc nịch: "Được rồi, tôi sẽ huỷ diệt loài người".
Câu trả lời của Sophia như một quả bom đánh thẳng vào việc con người đã, đang và sẽ không ngừng sáng tạo để cho ra đời những "con quỷ" sở hữu trí tuệ nhân tạo, có thể thay thế được não bộ con người trong các lĩnh vực hội họa, cờ vây, viết lách vốn đòi hỏi sự tư duy vô cùng phức tạp.
Phát ngôn này nghe có vẻ rất hoang đường và làm dấy lên những cuộc tranh luận không ngừng xoay quanh việc làm sao một con robot có thể làm được tất cả những điều này. Tuy nhiên, sau câu nói gây tranh cãi trên Sophia gần như "bốc hơi" khỏi con mắt của giới truyền thông, tưởng chừng kẻ muốn "hủy diệt loài người" đã "mai danh ẩn tích", nhưng hóa ra cô robot ấy vẫn luôn âm thầm trau dồi kiến thức và nuôi dưỡng ước mơ trở thành con người.
Năm 2017, Chính phủ Ả Rập Xê Út đã cấp quyền công dân cho Sophia.
Thật vậy, Sophia không hề biến mất mà đã đạt được một phần mục tiêu ban đầu - trở thành một công dân hợp pháp. Năm 2017, Chính phủ Ả Rập Xê Út đã cấp quyền công dân cho Sophia, đồng nghĩa với việc cô có quyền bình đẳng với con người. Năm 2018, Sophia trở thành giảng viên AI đầu tiên trong lịch sử theo lời mời của một tập đoàn giáo dục trực tuyến nổi tiếng. Vào năm 2019, Sophia đã có thể giao tiếp chuyên sâu với con người tại cuộc họp báo cuối năm của tập đoàn TCL (một tập đoàn điện tử đa quốc gia có trụ sở ở Quảng Đông, Trung Quốc). Và hiện tại, chắc hẳn cô nàng vẫn đang cố gắng phấn đấu vì giấc mơ ấp ủ bấy lâu nay của mình.
Cùng với sự phát triển của Sophia, từ năm 2015 người ta đã nối tiếp cho ra mắt những sản phẩm siêu thông minh, thậm chí đạt được giải thưởng danh giá. Trong một cuộc thi tiểu thuyết được tổ chức tại Nhật Bản, cuốn tiểu thuyết ẩn danh do nhóm robot sáng tạo đã giành được giải thưởng. Trong trận đấu lịch sử giữa AlphaGo và kỳ thủ Cờ vây mạnh nhất thế giới Lee Sedol (người Hàn Quốc) diễn ra từ ngày 8/3/2016 đến ngày 15/3/2016 tại khách sạn Four Seasons ở Seoul, Hàn Quốc, AlphaGo đã đánh bại Lee Sedol với tỉ số chung cuộc 4-1, và đây được coi là một cột mốc quan trọng trong nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo.
Bức tranh "Edmond de Belamy" được bán đấu giá thành công.
Chưa dừng lại ở đó, tại cuộc đấu giá Christie’s 2018, bức tranh "Edmond de Belamy" đã được đấu giá thành công với mức giá 432.500 USD, vượt xa so với ước tính ban đầu là khoảng 7.000-10.000 USD. Và đây là tác phẩm nghệ thuật đầu tiên được sản xuất bởi trí thông minh nhân tạo.
Nhóm Obvious - tác giả của thuật toán tạo ra bức tranh này không có một thành viên nào có nền tảng nghệ thuật, nhưng trước sức mạnh của công nghệ và kĩ thuật số, từ năm 2017, họ đã bắt đầu thử nghiệm nghệ thuật kết hợp thuật toán. Để tạo ra bức tranh "Edmond de Belamy" và 10 bức chân dung khác trong bộ sưu tập "La Famille de Belamy", Obvious đã sử dụng thuật toán với trên 15.000 hình ảnh chân dung và sáng tác trong những khoảng thời gian khác nhau.
Chỉ trong vòng chưa đầy 4 năm, tốc độ phát triển của Sophia nói riêng và trí tuệ nhân tạo nói chung có thể được xem là thần tốc. Khi máy móc ngày càng tăng khả năng "hiệu ứng AI", thì trong những năm tới trí tuệ nhận thức nhân tạo sẽ còn phát triển như thế nào? Không ai trong chúng ta có thể đoán trước được.