Có nên bịt miệng khi tập thể dục?
Các chuyên gia cho biết thở bằng mũi khi tập thể thao là thói quen tốt, song khuyến nghị cần cẩn trọng khi dán băng keo lên miệng như một số vận động viên.
Đầu tuần trước, tay vợt nữ số một thế giới Iga Swiatek của Ba Lan chia sẻ cô thường dán băng dính lên miệng khi luyện tập. Cô cho biết mục đích là cải thiện sức bền và sức chịu đựng.
"Bạn có thể thấy sự khác biệt ngay lập tức nếu dán chiếc băng dính trên miệng. Đây là cách để tôi rèn luyện sức mạnh của bản thân mà không cần chạy quá nhanh hay vận động quá mạnh", cô cho biết.
Tập thở bằng mũi ngày càng phổ biến trong những năm gần đây, đặc biệt khi người dùng TikTok bắt đầu chia sẻ các video về chủ đề này. Theo một số nghiên cứu, thở bằng mũi có thể cải thiện thành tích thể thao. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo về việc dán băng keo lên miệng khi tập luyện.
Theo Brett Comer, giáo sư tai mũi họng tại Đại học Kentucky, khi bịt miệng tập luyện, nhịp tim của Swiatek sẽ tăng lên theo thời gian, nhằm bù đắp cho lượng oxy thiếu hụt. Tập thể dục quá lâu với miếng băng dính, người tập sẽ cảm thấy khó thở, gây nguy hiểm nếu không được giám sát cẩn thận, Nicholas Rowan, phó giáo sư khoa tai mũi họng, Bệnh viện Johns Hopkins, cho biết.
Tay vợt Iga Swiatek dán miệng khi tập luyện chuẩn bị cho Canadian Open. (Ảnh: Zuma Press).
Thay vì dùng băng dính, phó giáo sư Rowan khuyến nghị chủ động điều hòa hơi thở một cách có ý thức, hạn chế thở bằng miệng. Ông cũng đề xuất một số bài tập thở mũi, chẳng hạn thở hộp hoặc thở theo nhịp 4-7-8 khi đang ở trạng thái bình thường.
Theo giáo sư Comer, thở bằng mũi giúp lọc, làm ấm và ẩm không khí trước khi đi xuống phổi. Phương pháp này cũng giải phóng oxit nitric, hạn chế tình trạng giãn tĩnh mạch.
Khi tập thể dục, ban đầu, mọi người thường hít thở bằng mũi, sau đó dần mở miệng để bổ sung oxy. Đây là phản xạ sinh tồn của cơ thể. Tuy nhiên, nghiên cứu công bố năm 2018 trên Journal of Kinesiology and Sports Science cho thấy thói quen này khiến các vận động viên mất sức nhiều hơn.
Các nhà khoa học đã thử nghiệm trên 10 tình nguyện viên, 5 nam và 5 nữ. Họ được chia thành hai nhóm: dán băng dính và miệng, chỉ thở bằng mũi và kẹp mũi, chỉ thở bằng miệng. Tình nguyện viên được yêu cầu hoàn thành hai bài tập chạy bộ, một ở tốc độ tăng dần và một ở tốc độ ổn định. Nghiên cứu cho thấy thở bằng mũi khiến các vận động viên dai sức hơn, vì họ kiểm soát được nhịp thở.
Nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng thở bằng mũi giúp tăng lượng máu lên não, tăng khả năng ghi nhớ và vận động cơ thể.