Có thể bạn chưa biết: Muỗi, chuột, côn trùng… cắn phá gần 27 tỉ USD mỗi năm
Đánh giá tác hại kinh tế của muỗi, loài gặm nhấm, côn trùng và thậm chí cả mèo nhà khi chúng được đưa đến môi trường sống mới dù cố ý hoặc vô tình, các nhà khoa học Pháp cảnh báo sinh vật ngoại lai có thể gây thiệt hại lớn tới nền kinh tế.
Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature mới đây, các nhà khoa học Pháp ước tính thiệt hại kinh tế của những loài sinh vật ngoại lai, xâm lấn do con người mang đến những môi trường mới là 1.300 tỉ USD trong 50 năm qua.
Họ cảnh báo các loài này có thể ảnh hưởng tới rừng, mùa màng, sức khỏe con người và cơ sở hạ tầng của các quốc gia với chi phí lên tới 26,8 tỉ USD/năm.
Các sinh vật ngoại lai, xâm lấn như côn trùng, động vật gặm nhấm, mèo và bò sát đang "xơi" của thế giới 26,8 tỉ USD mỗi năm - (Ảnh: AFP).
Tiến sĩ Christophe Diagne, chủ nhiệm nghiên cứu thuộc Đại học Paris-Saclay, cho biết thiệt hại đã lên đến hơn ngàn tỉ USD này không có dấu hiệu chậm lại. Ngược lại còn đều đặn tăng lên ba lần sau mỗi thập kỷ nếu các nước không có hành động bảo vệ và kiểm soát đa dạng sinh học.
Ông Diagne cho biết nhóm nghiên cứu đã mất nhiều tháng để tìm ra phương pháp tính toán, nhằm đảm bảo con số ước lượng đưa ra không bị phóng đại.
"Ước tính của chúng tôi cho thấy gánh nặng kinh tế trên toàn cầu mỗi năm do sinh vật ngoại lai gây ra là rất khủng khiếp" - ông Diagne nói.
Cụ thể, thiệt hại này vượt quá GDP tổng sản phẩm nội địa của 50 quốc gia ở châu Phi thời điểm năm 2017 và gấp hơn 20 lần tổng số tiền đóng góp cho Tổ chức Y tế thế giới và Liên Hiệp Quốc cộng lại.
Ngay cả với những sinh vật ngoại lai có vẻ như vô hại, như các loài thực vật, các loài bò sát, chim, cá hoặc vi sinh vật được đưa vào môi trường sống, chúng hoặc là không thể phát triển hoặc là phát triển vô cùng mạnh mẽ đe dọa môi trường mới xung quanh.
Ví dụ điển hình của sinh vật ngoại lai là bài học về việc mang thỏ châu Âu tới thả ở Úc. Theo tạp chí National Geographic, cách đây hơn 150 năm, một người Anh di cư đến Úc đã mang theo 24 con thỏ để thả vào thiên nhiên. Do không có nhiều loài động vật ăn thịt là thiên địch của thỏ, loài gặm nhấm này đã mặc sức sinh sôi nảy nở.
Ước tính mỗi năm Úc tốn khoảng 100 triệu USD để đối phó với thỏ rừng. Số lượng thỏ ở Úc là khoảng 200 triệu con và chúng phá hoại mùa màng rất khủng khiếp.
Ngoài ra, nhiều sinh vật ngoại lai khác cũng gây hại không kém như loài bọ cánh cứng sừng dài châu Á đang tàn phá các khu rừng ở Mỹ, hay loài rắn cây nâu đã và đang xóa sổ các loài chim bản địa ở Guam.
Theo Đài RFI, nghiên cứu được tiến hành trong 5 năm. Các nhà khoa học cảnh báo sự gia tăng thương mại toàn cầu sẽ càng kéo theo sự gia tăng số lượng các loài xâm lấn trên thế giới.
- Những điều cần biết về cổng USB-C
- Robot Curiosity chụp ảnh tự sướng trên sườn núi sao Hỏa
- Điều đáng sợ về loài loài khủng long gần đây mới được biết đến