Có thể bạn chưa biết: Muối từng được coi là biểu tượng của sự cao quý
Theo quan niệm của người xưa, muối là một vật phẩm giá trị đại diện cho những đấng tối cao. Thực tế, quan niệm này xuất phát từ công dụng ướp xác, bảo quản của muối.
Muối có tác dụng bảo quản. Cho đến tận thời hiện đại, muối vẫn là cách thức chủ yếu để bảo quản thực phẩm. Người Ai Cập dùng muối để ướp xác. Tác dụng bảo quản, ngăn thối rữa này đã đem lại cho muối một ý nghĩa ẩn dụ khá phổ biến trên thế giới. Có lẽ đây chính là điều mà Freud cho là phi lý, khi từ trong tiềm thức, chúng ta liên tưởng một vật tầm thường như muối với một ý nghĩa trọng đại như sự trường tồn và vĩnh cửu.
Một người buôn muối tại Châu Phi, nơi đây muối vẫn rất được coi trọng. (Ảnh: Finances).
Đối với người Do Thái cổ đại, muối vẫn là biểu tượng cho tính vĩnh hằng của giao ước giữa Đức Chúa với người Israel. Kinh Torah, Dân Số Ký kể lại: "Đó là một giao ước bằng muối đời đời, trước mặt Đức Giê-hô-va". Sau này, Sử biên niên dẫn ra rằng, "Đức Chúa, Thiên Chúa của Israel, bằng một giao ước muối không ai phế bỏ được, đã ban quyền cai trị Israel đến muôn đời cho vua David, chính người và cho con cháu người".
Vào tối thứ sáu, người Do Thái thường chấm bánh mì ngày Sabbath vào muối. Trong Do Thái giáo, bánh mì biểu tượng cho thức ăn, là món quà của Đức Chúa, chấm bánh mì vào muối là để bảo quản nó, cũng đồng nghĩa với việc giữ gìn giao ước giữa Đức Chúa và dân Ngài.
Lòng trung thành và tình bạn được gắn liền với muối bởi đặc tính vững bền của nó. Ngay cả khi đã hòa tan vào chất lỏng, nước muối vẫn có thể bay hơi và cô đọng trở lại thành các tinh thể muối hình vuông. Bởi đặc tính bất biến này, trong cả Hồi giáo và Do Thái giáo, muối được dùng để chốt lại một vụ thương thảo nào đó. Quân đội Ấn Độ cam kết lòng trung thành với người Anh bằng muối. Người Ai Cập, Hy Lạp và La Mã cổ đại sử dụng muối trong các buổi cúng tế và hiến tế, cầu khấn các vị thần bằng muối và nước.
Không chỉ được gắn với sự vĩnh cửu và trường tồn, theo Cơ Đốc giáo, muối còn được gắn liền với sự thật và trí tuệ. Nhà thờ Công giáo phân phát cả nước thánh và muối thánh hay còn gọi là Sal Sapientia, "Muối của Trí tuệ".
Bánh mì và muối, một bên là phước lành, một bên là biểu tượng của sự trường tồn bất biến, thường được gắn liền với nhau. Mang bánh mì và muối đến nhà mới là truyền thống của người Do Thái có từ thời Trung cổ. Người Anh không mang bánh mì, nhưng có tục lệ mang muối đến căn nhà mới từ nhiều thế kỷ. Năm 1789, khi chuyển sang căn nhà mới ở Ellisland, Rober Burns (Đại thi hào của người Scotland) được họ hàng thân thích đưa tiễn cùng với một bát muối. Thành phố Hamburg (Đức) cứ mỗi năm một lần lại tổ chức lễ hội cầu phúc bằng cách diễu hành trên các con phố cùng với bánh mì phủ sô cô la và bánh hạnh nhân phủ đường đựng trong muối.
Theo truyền thống xứ Wales, trong đám tang, người ta thường đặt một đĩa bánh mì và muối trên quan tài, một "người ăn tội" chuyên nghiệp của địa phương sẽ được mời đến để ăn đĩa muối.
Vì muối ngăn chặn sự thối rữa nên người ta tin rằng muối có thể bảo vệ con người khỏi những tác nhân gây hại. Đầu thời kỳ Trung cổ, những người nông dân Bắc Âu đã học được cách bảo vệ số ngũ cốc thu hoạch được khỏi nấm ergot (nấm cựa gà), một loại nấm gây hại có độc đối với con người cũng như gia súc, bằng cách ngâm ngũ cốc trong nước muối. Vì vậy, chẳng có gì lạ lùng khi những người nông dân Anglo-Saxon bỏ thêm muối vào nguyên liệu hiến tế cầu nguyện mùa màng bội thu.
Cả người Do Thái và người Hồi đều tin rằng muối có thể bảo vệ con người khỏi đôi mắt của quỷ dữ. Sách Ezekial từng đề cập đến việc xát muối vào cơ thể trẻ sơ sinh sẽ bảo vệ được lũ trẻ khỏi ma quỷ. Ở châu Âu, tục lệ bảo vệ trẻ sơ sinh bằng cách đặt muối lên lưỡi trẻ hoặc ngâm trẻ trong nước muối được cho là đã tồn tại từ lễ rửa tội của Cơ Đốc giáo. Tại Pháp, việc ngâm trẻ trong muối cho đến khi được rửa tội vẫn rất thịnh hành mãi tới năm 1408 khi tục này bị bãi bỏ.
Muối là một chất rất mạnh và đôi khi nguy hiểm cần phải xử lý một cách cẩn thận. Nghi thức bàn ăn của châu Âu thời Trung cổ đặc biệt chú trọng cách xúc muối: Phải xúc muối bằng đầu của lưỡi dao chứ không bao giờ được chạm tay vào. Một bộ phận người Do Thái xưa tin rằng nếu một người dùng ngón tay cái để phục muối, con cái của anh ta sẽ chết, nếu dùng ngón út, anh ta sẽ trở nên nghèo đói và nếu dùng ngón trỏ, anh ta sẽ trở thành tên sát nhân.