Cốc rượu 3.500 năm tuổi dùng một lần
Chiếc cốc cổ làm bằng đất sét, hình nón ngược, không quai, được sử dụng một lần trong những bữa tiệc của người Minoan.
Chiếc cốc cùng nhiều sản phẩm dùng một lần khác sẽ được trưng bày trong triển lãm "Rác thải và con người" tại Bảo tàng Anh, London, từ ngày 20/12. Các nhà khoa học tìm thấy hàng nghìn chiếc cốc tương tự tại lâu đài Knossos và các địa điểm khảo cổ khác trên đảo Crete, Hy Lạp. Chúng là sản phẩm của người Minoan, một trong những nền văn minh tiến bộ đầu tiên tại châu Âu.
Cốc rượu 3.500 năm tuổi bên cạnh cốc giấy hiện đại, cả hai đều là đồ dùng một lần. (Ảnh: Guardian).
"Mọi người có lẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng cốc dùng một lần không phải phát minh của xã hội hiện đại mà thực tế đã xuất hiện cách đây hàng nghìn năm", Julia Farley, quản lý tại bảo tàng Anh, cho biết.
Giới thượng lưu Minoan khoe sự giàu có và địa vị của mình bằng cách tổ chức những bữa tiệc và lễ hội lớn trong lâu đài. Mọi người tụ tập thành những nhóm đông và giống như ngày nay, không ai muốn rửa bát. Ngoài tiện lợi, cốc dùng một lần còn là công cụ khoe giàu vì nhiều tài nguyên được đổ vào để chế tạo chúng.
"Con người vẫn luôn tạo ra rác. Đó là việc không tránh được. Chúng ta là những sinh vật biết dùng công cụ và mặc quần áo, mà không thứ gì có thể tồn tại vĩnh viễn. Tạo ra rác thải là một phần tự nhiên trong cuộc sống của con người", Farley nhận xét.
"Chúng tôi có hàng nghìn chiếc cốc dùng một lần của người Minoan. Số lượng này đã là rất lớn. Tuy nhiên, thế giới đang sản xuất đến hơn 300 tỷ cốc giấy mỗi năm. Nền văn minh Minoan vô cùng nhỏ bé so với nền kinh tế toàn cầu ngày nay", bà nói thêm.
Người cổ đại thường được coi là sống hòa hợp với thiên nhiên. Nhưng thực chất, khi chặt cây làm than củi và đốt để nung đất sét, một lượng lớn khí CO2 cũng sẽ bay vào khí quyển.
Xả rác là hành động tồn tại từ xa xưa. Tuy nhiên, người hiện đại đang xả rác ở quy mô chưa từng có với những vật liệu mất đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm mới có thể phân hủy sinh học. Farley hy vọng triển lãm mới sẽ khiến người xem suy nghĩ sáng tạo về cách giảm rác thải thay vì chỉ cảm thấy tội lỗi khi xả rác.