Con bài chiến lược chống lại virus bí ẩn đầy nguy hiểm tại Trung Quốc: Chính là "Trí tuệ nhân tạo"
Trung Quốc vào những ngày giáp Tết, những khu chợ tươi sống ẩm ướt của họ thật sự nhộn nhịp. Từng tảng thịt lợn, gia súc, gia cầm, rồi những chuồng bò sát (rắn, thằn lằn...) xếp thành đống, chờ đợi từng đợt khách đến mang về chuẩn bị cho những bữa đại tiệc dịp đầu năm mới.
Thế nhưng ở chính những khu chợ như vậy, tử thần lại đang rình rập. Vài tuần gần đây, Trung Quốc xuất hiện một dịch viêm phổi kỳ lạ, và các nhà khoa học tin rằng nguyên nhân từ một loại virus mới xuất phát từ một khu chợ tươi sống của thành phố Vũ Hán (Hồ Bắc).
Virus mới có tên 2019-nCov, thuộc chủng virus Corona cùng họ với virus gây nên dịch SARS từng khiến 800 người tử vong vào năm 2003. Giới chức trách cho biết loại virus này lây nhiễm sang con người từ động vật, đồng thời xác nhận khả năng lây từ người sang người. Hiện tại, các nhà khoa học đang gấp rút tìm hiểu tốc độ lây lan của loại virus mới, và xác định địa điểm có gặp rủi ro cao.
Virus mới thuộc chủng virus Corona cùng họ với virus gây nên dịch SARS. (Ảnh minh họa).
AI - "con bài tẩy" giúp chống lại dịch bệnh
AI - hay trí tuệ nhân tạo sẽ là thứ giúp con người chống lại dịch bệnh tại Vũ Hán và các căn bệnh tương tự trong tương lai - đây là nhận định của tiến sĩ Daniel Streicker, nhà khoa học đến từ ĐH Glasgow (Scotland).
"AI có thể thu thập thông tin về lộ trình di chuyển của con người, thông qua các bản lưu trữ hàng không và các phương tiện công cộng." - Streicker cho biết. Việc tạo ra một AI như vậy cần phải đặt lên hàng ưu tiên, để có thể dự đoán chính xác khả năng lan truyền khi bất kỳ dịch bệnh nào xảy ra.
Ví dụ như công ty Vulcan có trụ sở tại Seattle do nhà đồng sáng lập Microsoft quá cố Paul Allen sở hữu, hiện đang sử dụng AI để nghiên cứu khả năng phát tán của dịch Ebola. Hay như khoa Y ĐH Harvard cũng đang thực hiện một nghiên cứu tại Bangladesh, sử dụng dữ liệu từ điện thoại để theo dõi quá trình di chuyển của mọi người xuyên suốt khắp quốc gia nhằm dự đoán khả năng phát tán của các loại dịch bệnh. ĐH Johns Hopkins thì sử dụng dữ liệu từ Twitter, để biết được đâu là nơi dịch bệnh khởi nguồn.
Sức mạnh của AI thể hiện ở chỗ bạn có thể gom tất cả các nguồn dữ liệu lại để phân tích.
Trên thực tế, việc sử dụng AI trong y tế cũng đã có những thành tựu nhất định. Từ năm 2008, Google đã khởi động dịch vụ cho phép xác định những điểm bùng phát dịch cúm, dựa trên thói quen tìm kiếm của người dùng. Dịch vụ này thậm chí đã xác định được dịch cúm lợn năm 2009 tại Mỹ 2 tuần trước khi Bộ Y tế Hoa Kỳ ra thông báo chính thức. Dẫu vậy, dịch vụ này đã bị đóng cửa sau đó vì xác định khả năng nhiễm bệnh thiếu chính xác, gây hoang mang dư luận.
Theo Mason Marks - phó giáo sư luật tại ĐH Gonzaga (Washington), rất nhiều công ty công nghệ đang dần chuyển hướng sang sử dụng "dữ liệu y tế nổi" - nghĩa là các thông tin do AI cung cấp và suy đoán dựa trên những hành động không liên quan đến sức khỏe của người dùng. Từ thói quen mua hàng, tìm kiếm, hội thoại... tất cả đều có thể được thu thập, tạo thành cơ sở dữ liệu lớn hơn (Big Data).
"Một bác sĩ có thể chữa bệnh cả đời mà sẽ chẳng thể thu được những thông tin chỉ AI cung cấp được" - Marks cho biết. Thậm chí, những thông tin tưởng như "vô thưởng vô phạt" như... chửi tục thôi cũng giúp AI dự đoán bệnh tật.
"Sức mạnh của AI thể hiện ở chỗ bạn có thể gom tất cả các nguồn dữ liệu lại để phân tích. Đối với virus mới ở Trung Quốc, vấn đề là chúng ta chưa có đủ mô hình dữ liệu để khiến dự đoán được chính xác" - Streicker chia sẻ.
Theo Marks, bước tiếp theo sẽ là sử dụng AI để xác định bệnh của những cá nhân cụ thể hơn. Vấn đề chỉ là những nơi như Trung Quốc vốn đang sử dụng hệ thống nhận diện chấm điểm công dân, AI có thể biến tướng và dẫn đến những lựa chọn sai lệch.
"Khi có dịch bệnh xảy ra, toàn thế giới đều dễ gặp rủi ro. Vậy nên nếu có công cụ giúp xác nhận từng người, ngăn họ di chuyển xa sẽ là một lợi thế. Vấn đề là nó có khả năng xảy ra thiên vị nếu sử dụng quá thường xuyên với nhiều đối tượng".