"Con chuột cyborg" được điều khiển bằng não người
Có lẽ những người lớn tuổi thuộc thế hệ trước đây đều biết tới Frankenstein, cái tên mà mọi người đều nghĩ rằng đó là một con quái vật mang thân người. Thực sự, Frankenstein là tên của nhà khoa học, nhân vật chính trong cuốn truyện khoa học giả tưởng của Mary Shelley người Anh, được xuất bản lần đầu vào năm 1818 tại London.
Trong truyện này, vì đau buồn trước cái chết của người mẹ thân yêu, lại thêm có niềm đam mê về khoa học nên ông đã mày mò nghiên cứu và tạo được sự sống bằng các bộ phận của xác chết.
Tuy nhiên, ông lại kinh sợ và chối bỏ cái tác phẩm do chính mình tạo ra và gọi đó là “quái vật”. Chính vì vậy mà cái tên tác phẩm là Frankenstein, từ đó được cả thế giới “hiểu” là quái vật.
Như vậy, có thể nói rằng cuốn truyện khoa học giả tưởng của Mary Shelley vào đầu thế kỷ 19 chính là “thủy tổ” của các cyborg vào đầu thế kỷ 21 này.
Với các điện cực siêu nhỏ được cấy trong não, bộ kích thích điện đeo trên lưng, chú chuột cyborg này đã “nghe” được sự điều khiển từ não người để vượt ra khỏi mê cung.
Càng ngày người ta càng nghĩ nhiều ý tưởng về cyborg và mới đây, các nhà khoa học Trung Quốc đã thành công khi tạo được một con chuột cyborg đầu tiên có thể nhận mệnh lệnh được điều khiển từ xa của não người, hiện thực chứ không còn là khoa học giả tưởng hoặc viễn tưởng.
Cụ thể, nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Zhejiang (Chiết Giang) đã cấy các điện cực siêu nhỏ vào não một chú chuột, kèm theo là một bộ kích thích điện được đeo trên lưng để kích hoạt.
Toàn bộ được kết nối không dây với máy tính nhằm mục đích giải mã các tín hiệu phát ra từ não của người điều khiển thông qua chiếc mũ có gắn điện cực EEG (electroencephalogram).
Dĩ nhiên, cũng phải có một màn hình video để người điều khiển có thể theo dõi và ra lệnh cho đối tượng thí nghiệm.
Tuy còn chút hạn chế do chiếc mũ EEG không truyền tín hiệu mệnh lệnh qua não mà là qua cách chớp mắt của người để điều khiển chuột qua phải, trái, tiến tới trước; nhưng thực tế đây là một thành công vì chú chuột đã “nghe” được mệnh lệnh điều khiển từ xa để vượt qua khỏi các lối đi phức tạp của mê cung. Nói theo thuật ngữ chuyên ngành, thành công vì đã “truyền được thông tin chức năng từ não tới não”.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng, không giống như robot cơ học, chuột cyborg vẫn có khả năng tự do nhận thức và khả năng vận động linh hoạt, điều đó có nghĩa là chúng sẽ có những chuyển động bất ngờ theo ý muốn của chúng trong thời gian chịu sự kiểm soát.
Nghĩa là chúng chỉ mất đi quyền tự do nhận thức và quyền tự chủ mỗi khi não nhận được sự điều khiển của con người.