Công nghệ nuôi tôm hùm trên bờ cho năng suất cao
Mô hình nuôi thương phẩm tôm hùm trong bể lần đầu tiên được áp dụng với công nghệ nuôi tuần hoàn, giúp tôm khỏe, tỷ lệ sống trên 75%.
Nuôi tôm hùm trong bể là công nghệ mới được Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III chuyển giao, Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc (Tuy Hòa, Phú Yên) tiếp nhận và phát triển mô hình đầu tiên cả nước áp dụng thành công các công nghệ nuôi tôm hùm trong bể trên bờ với quy mô lớn.
Đây là dự án do Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ kinh phí triển khai từ năm 2018, thuộc Chương trình Đổi mới Công nghệ Quốc gia đến năm 2020, nhằm tạo ra mô hình sản xuất bền vững và sản phẩm cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, đem lại nguồn lợi giá trị kinh tế cao.
Hệ thống này gồm bể nuôi, bể lắng chất thải, bể lọc sinh học, bể chuẩn hóa chất lượng nước. Quy trình được hoạt động theo cơ chế: Nước đi qua trống lọc để tách chất bẩn, sau đó được chuyển sang bước quan trọng nhất là bể lọc sinh học. Bể có các vật liệu lọc làm giá thể cho vi sinh. Các vi sinh này có tác dụng chuyển hóa chất độc hại gây bệnh cho tôm thành chất an toàn, nhờ thiết bị loại bỏ các hợp chất hữu cơ bị phân giải và tách các protein lơ lửng (skimmer). Cuối cùng, nước sạch được đưa sang bể chuẩn hóa chất lượng nước, gồm hệ thống làm mát và tia UV để diệt khuẩn, đảm bảo yếu tố về nhiệt độ, lý hóa trước khi quay lại bể nuôi.
Tôm nuôi trong bể cho sắc tôm sáng, hài hòa, vỏ mỏng, sức khỏe phát triển ổn định, sạch bệnh. (Ảnh: ĐL)
Chị Trần Thị Lưu, cán bộ kỹ thuật dự án cho biết, khi nuôi tôm hùm trong môi trường nhân tạo, yếu tố tiên quyết phải có nguồn nước sạch, nhiệt độ khoảng 25-30 độ C với độ mặn cao 28-34%, có dòng chảy nhẹ lưu thông như ngoài biển. Vì thế, nguồn nước đầu vào được xử lý bằng hệ thống ổn định nhiệt, đèn UV khử trùng, trước khi áp dụng hệ thống nuôi tuần hoàn (RAS). Nhóm cũng được hướng dẫn quy trình sàng lọc và thả giống, vệ sinh, chăm sóc và quản lý sức khỏe tôm hùm.
Nhờ được chuyển giao công nghệ nuôi, nên sức khỏe tôm tốt, ít hao hụt. Chỉ sau thời gian nuôi 12 tháng, tôm hùm xanh đạt trên 380 g/con, tỉ lệ sống trên 75%. Tôm hùm bông đạt từ 600 - 700 g/con, tỉ lệ sống trên 73% sau thời gian nuôi 14 tháng.
Nguồn nước được xử lý qua hệ thống RAS, chỉ số về nhiệt độ, độ mặn đạt mức an toàn. (Ảnh: NVCC).
Chị Lưu cho biết, ban đầu tôm chưa quen với môi trường nhân tạo nên thường tập trung thành từng cụm ở một số vị trí trong bể, ăn ít. Nhưng chỉ sau 10 ngày tôm dạn hơn, nuôi trong bể sạch không có rong rêu và chất lượng nước tốt nên màu sắc tôm sáng và hài hòa hơn, vỏ sạch và mỏng hơn. Tôm khỏe và hoạt động nhiều hơn trong bể.
Khác với tôm thẻ hoặc tôm sú, tôm hùm rất khó nuôi, chỉ sống và phát triển ở vùng nước biển sạch, lưu thông thường xuyên. Lồng bè nuôi tôm được đặt chìm xuống nước từ 10-20 m đảm bảo mùa đông ấm, mùa hè mát. Để nuôi được một kg tôm hùm, người dân mất khoảng 15 kg thức ăn. Các loại thức ăn phải tươi, từ cá, cua, ốc, hàu... Với hàng triệu con tôm hùm được thả nuôi từ các hộ gia đình, lượng thức ăn khổng lồ được rải xuống biển. Phần không tiêu thụ bị đông vào rạn san hô, làm ô nhiễm nghiêm trọng môi trường biển. Mật độ lồng nuôi dày đặc và ảnh hưởng ô nhiễm khiến tỉ lệ sống của tôm hùm thấp.
Công nghệ nuôi trong bể đảm bảo an toàn môi trường biển, hạn chế chi phí bơm và giảm lượng nước xả thải. Thay vì phải thay nước nuôi hàng ngày, hệ thống cho phép tái sử dụng nước và chỉ cần bổ sung thêm lượng nước hao hụt trong khi chạy tuần hoàn để bổ sung thêm các hàm lượng khoáng và kiềm có trong nước.
Trong mô hình này, nhóm kỹ thuật áp dụng thử nghiệm loại thức ăn nhân tạo dạng viên do Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III sản xuất. Loại này được thử nghiệm cho ăn hai lần/ngày với khẩu phần 2% trọng lượng thân.
"Mục tiêu của dự án hướng đến mô hình nuôi bền vững hơn, không ảnh hưởng tới môi trường. Bởi việc sử dụng thức ăn tươi (cua cá, ốc, hàu.....) có thể chứa nhiều mầm bệnh cho tôm hùm, hình thành lượng chất thải lớn làm ô nhiễm nguồn nước", chị Lưu nói. Ngoài ra, thức ăn tươi phụ thuộc nhiều vào mùa vụ. Vào mùa biển động mưa bão, nguồn thức ăn tươi khan hiếm, không chủ động cho quá trình nuôi. Vì vậy, sử dụng thức ăn viên trong hệ thống nuôi có ý nghĩa quan trọng trong việc chủ động chuẩn bị các điều kiện cho sự phát triển của tôm hùm.
Hiện dự án nuôi tôm hùm đã có những thành công về hiệu quả công nghệ và chất lượng vật nuôi. Tuy nhiên để mô hình được nhân rộng trong thực tế và trở thành nghề mới cho người dân, cần thời gian để thay đổi thói quen và tập quán, nhất là khi điều kiện, chi phí đầu tư công nghệ lớn.
Là một trong những dự án thuộc Chương trình Đổi mới Công nghệ Quốc gia, chị Lưu chia sẻ, chương trình đem lại cơ hội nghành nghề mới, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với công nghệ, duy trì nghề nuôi tôm hùm xuất khẩu có giá trị kinh tế cao. "Dự án đang triển khai ở giai đoạn cuối. Khi kết thúc, công ty sẽ tổ chức các hội thảo, tập huấn giới thiệu mô hình, quy trình nuôi tới bà con và hi vọng nhân rộng tại tỉnh Phú Yên, mang lại nghề nuôi mới cho người dân", chị nói.