Cột khói trong vụ phun núi lửa Tonga chạm tới tầng 3 của khí quyển
Khi núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha’apai phun trào dưới biển hồi tháng 1, nó tạo ra cột đám tro bụi và hơi nước cao đến mức vượt qua lớp thứ ba của khí quyển Trái đất.
Một nghiên cứu chi tiết về vụ phun trào đã được công bố hôm 3/11 trên tạp chí Science. Đây là cột khói cao nhất từng được ghi nhận, đạt đến tầng trung lưu, nơi thiên thạch thường vỡ ra và bốc cháy khi bay vào khí quyển của Trái đất, CNN đưa tin.
Ảnh vệ tinh cho thấy cột khói bụi và hơi nước giải phóng vào khí quyển 100 phút sau khi vụ phun trào núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha’apai bắt đầu. (Ảnh: Simon Proud/Đại học Oxford, RALSpace NCEO).
Vụ phun trào đã tạo nên “một tháp tro và mây cao 57km trong 30 phút”, tiến sĩ Simon Proud, đồng tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
Lượng nước mà núi lửa giải phóng vào khí quyển dự kiến làm hành tinh ấm lên tạm thời. Sức nóng của vụ phun trào làm bốc hơi nước và “tạo ra một vụ nổ hơi nước mạnh hơn nhiều so với một vụ phun trào núi lửa thông thường”, ông cho biết thêm.
Tầng trung lưu, cách bề mặt Trái đất khoảng 50-80 km, nằm trên tầng đối lưu và tầng bình lưu và bên dưới hai lớp khác.
Đỉnh của cột vật chất trong vụ phun trào đạt độ cao đỉnh điểm là 57 km, vượt qua những kỷ lục trước đó như vụ phun trào núi lửa Pinatubo năm 1991 ở Philippines với cột khói đạt độ cao 40 km, và vụ phun trào El Chichón năm 1982 ở Mexico, đạt 31 km.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng hình ảnh do vệ tinh chụp được khi đi qua địa điểm phun trào để xác nhận độ cao của cột khói. Vụ phun trào xảy ra ngày 15/1 ở phía nam Thái Bình Dương ngoài khơi quần đảo Tongan, một khu vực được bao phủ bởi ba vệ tinh thời tiết địa tĩnh.
Theo các phát hiện trước đó từ một vệ tinh của NASA, lượng nước trong cột khói bụi được giải phóng vào các tầng trên của khí quyển đủ để lấp đầy 58.000 bể bơi cỡ Olympic.
- Điều đáng sợ nhất trong vụ núi lửa phun trào bất thường ở Tonga
- Núi lửa phun trào ở Tonga bắn 146 triệu tấn nước lên khí quyển
- Tại sao núi lửa Tonga tạo ra lượng sét kỷ lục?