Cúm gia cầm đã xuất hiện ở Nam Cực
Nỗi lo dịch cúm gia cầm có thể lan rộng trong vùng đất lạnh giá này khi virus có độc lực cao H5N1 lần đầu tiên được tìm thấy ở xác loài chim cướp biển tại đây.
Theo The Guardian, xác 2 con chim cướp biển được các nhà khoa học Argentina tìm thấy gần Căn cứ Primavera, trạm nghiêm cứu khoa học của Argentina trên bán đảo Nam Cực, vào ngày 23/2.
Họ đã gửi đến các nhà khoa học đến từ Trung tâm Sinh học Phân tử Severo Ochoa (có trụ sở ở Madrid) đang làm việc tại Nam Cực.
Virus H5N1 được phát hiện trên xác của loài chim cướp biển nâu, lo ngại có thể lây lan cho chim cánh cụt. (Ảnh minh họa: Alamy).
Các đợt bùng phát trước đây ở Nam Phi, Chile và Argentina cho thấy chim cánh cụt rất dễ bị nhiễm virus. Kể từ khi H5N1 xuất hiện ở Nam Mỹ, hơn 500.000 loài chim biển đã chết vì căn bệnh này, trong đó chim cánh cụt, bồ nông và chim ưng là những loài bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Trong một bài báo chưa xuất bản vào tháng 11/2023, nhà nghiên cứu viết: "Nếu virus bắt đầu gây ra các trường hợp tử vong hàng loạt trên các đàn chim cánh cụt, nó có thể báo hiệu một trong những thảm họa sinh thái lớn nhất thời hiện đại".
Theo dữ liệu từ Ủy ban Khoa học về Nghiên cứu Nam Cực, các trường hợp nghi ngờ khác đã được báo cáo xuất hiện ở chim cướp biển nâu, chim cướp biển cực nam, mòng biển tảo bẹ ở vịnh Hope, cũng trên bán đảo Nam Cực.
Một báo cáo của chính phủ Tây Ban Nha hôm 25/2 cho biết phát hiện này lần đầu tiên chứng minh rằng virus cúm gia cầm có độc lực cao đã đến Nam Cực, bất chấp khoảng cách và các rào cản tự nhiên ngăn cách nó với các lục địa khác.
Đây là những trường hợp được xác nhận đầu tiên trên chính lục địa này, cho thấy virus đang lây lan trong khu vực, rất có thể là thông qua các loài chim di cư.
Các nhà khoa học cũng cho biết hiện có nhiều báo cáo về bệnh cúm gia cầm có độc lực cao (HPAI) ảnh hưởng đến một số loài ở khu vực Nam Cực trong mùa này. Tuy nhiên, nhiều trường hợp có thể chưa được phát hiện trên lục địa Nam Cực cho đến bây giờ vì việc tiếp cận và lấy mẫu động vật hoang dã ở đây khá khó khăn.
Đợt bùng phát H5N1 này được cho là đã giết chết hàng triệu loài chim hoang dã trên toàn cầu kể từ năm 2021 và đã lan sang mọi châu lục ngoại trừ châu Đại Dương.
Cúm gia cầm đã lan đến khu vực gần Nam Cực vào tháng 10 năm ngoái, với các trường hợp được phát hiện ở Nam Georgia và Quần đảo Nam Sandwich (cách lục địa Nam Cực khoảng 1.600km) và Quần đảo Falkland (cách Nam Georgia 966km).
Ban đầu, virus này được báo cáo ở các loài chim như mòng biển, chim cướp biển và nhạn biển, sau đó là chim hải âu, chim cánh cụt... Nó cũng đã lan sang các loài động vật có vú ở Nam Cực, với cái chết hàng loạt của hải cẩu voi và hải cẩu lông.
Loại virus này cũng đang lây lan qua các quần thể động vật hoang dã ở Bắc Cực. Vào tháng 12, con gấu Bắc Cực đầu tiên đã chết vì H5N1.
- Thời điểm nào tốt nhất để tiêm vaccine cúm?
- Phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trên xác chim cánh cụt ở Nam Cực
- Lần đầu phát hiện trường hợp nhiễm cúm gia cầm tại vùng Nam Cực