Cuộc chiến giành nguyên liệu hiếm
Các quốc gia công nghiệp hóa giờ đây đang phải bận tâm đến nguồn cung cấp các kim loại hiếm mà việc sản xuất phần lớn đang do Trung Quốc kiểm soát.
14 kim loại quý hiếm hiện nay- Nguồn: Ủy ban châu Âu, tháng 7-2010. (Ảnh: Tuoitre)
Trữ lượng lithium trên thế giới - Nguồn: Cục Nghiên cứu địa chất Mỹ, tháng 1-2010
Ngày 26-8 vừa qua, ở Seoul, Tổng thống Bolivia Evo Morales đã được đón tiếp trọng thể tại Nhà Xanh, dinh tổng thống Hàn Quốc. Ông đã kết thúc chuyến thăm với hai con át chủ bài nắm trong tay: một thỏa thuận bán nguyên liệu lithium cho Hàn Quốc và một bằng tiến sĩ danh dự do một trong những trường đại học danh giá nhất của Hàn Quốc trao tặng. Quả là một kết quả không tồi chút nào.
Trong 45 năm qua, Hàn Quốc nào có mấy chú ý đến một đất nước nghèo đói như Bolivia đâu. Thế nhưng, đất nước này lại rất giàu lithium, còn Seoul lại muốn nắm được để bảo đảm cho các tập đoàn Samsung, Hyundai, LG cùng các ngành công nghiệp khổng lồ khác của mình có thể tiếp tục hoạt động lâu dài.
Chưa một gam kim loại quý này rời khỏi khu vực Uyuni (trên vùng cao nguyên của Bolivia), nhưng vùng sa mạc muối bao la này hiện chứa một lượng lithium đủ để cho phép bất kỳ ai một khi sở hữu được nó thì có thể thống trị thị trường bình ăcquy cho ôtô điện, máy tính cá nhân và điện thoại di động.
Ông Evo Morales là một trong số các nhà lãnh đạo đầu tiên hiểu rằng thế giới đã cơ bản thay đổi, và dầu mỏ không còn là trung tâm của bản đồ địa chính trị tài nguyên nữa. Theo nhiều báo cáo được công bố gần đây, sự trường thọ của một số ngành công nghiệp đã không thể được đảm bảo nữa. Nhật, Hàn Quốc, Đức và nhiều nước đang đi đầu về công nghệ mới rồi đây sẽ phải chật vật mới có thể giữ được vị thế của mình.
“Chúng ta đang ở trong một cuộc chiến kinh tế - nhà tư vấn Jack Lifton, người có thẩm quyền về các kim loại hiếm, quả quyết - Cái thế giới, nơi người ta có thể mua mọi thứ với giá rẻ, đã không còn tồn tại nữa. Đã đến lúc phương Tây phải bừng tỉnh. Thật không sao tin nổi là người ta lại chẳng biết chút gì về đầu vào của một nhà máy cả!”.
Ngay cả ở châu Á, nơi sự tăng trưởng rõ ràng là dựa vào các nguyên liệu này, sự nhận thức về vấn đề này cũng chỉ mới gần đây thôi. Chính phủ Hàn Quốc mới loan báo sẽ vét thêm cả đến quỹ hưu trí để đảm bảo có được nguồn cung cấp các kim loại hiếm cho đất nước. Chính phủ còn tính đến một chính sách viện trợ phát triển cho các nước đang sở hữu các tài nguyên này.
Báo động của Bộ Quốc phòng Mỹ
Hàn Quốc nào có phải là nước duy nhất trải thảm đón tiếp trọng thị tổng thống Bolivia đâu. Trung Quốc, Nhật, Nga và Pháp cũng chào mời ông một cách nồng nhiệt như vậy. Mà đây mới chỉ là màn dạo đầu.
Theo Ủy ban châu Âu (EC), nơi vừa đưa ra danh sách 14 loại nguyên liệu hiếm, “cuộc chơi lớn” (cuộc tranh giành thuộc địa giữa Nga và đế quốc Anh tại Nam Á trong thế kỷ 19) có thể còn mở rộng ra cả với cobalt (nguyên liệu để sản xuất pin điện thoại di động), palladium (dùng trong lọc nước biển), spath-fluor (nguyên liệu trong công nghiệp hóa học) hoặc magnesium (dùng trong lọc dầu, nhà máy ximăng, nhà máy thép...).
Trong tháng 9 này, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ công bố một báo cáo trong đó báo động về sự lệ thuộc của quân đội Mỹ đối với nhiều loại sản phẩm khác nhau mà Trung Quốc hiện đang là nước cung cấp độc quyền.
Một cuộc khảo sát đã được đệ trình hồi tháng 5 cho Chính phủ Anh cũng cho biết từ nay đến năm 2015, Bắc Kinh sẽ cấm xuất khẩu các kim loại hiếm - vốn là những nguồn nguyên liệu đã tạo nên cuộc cách mạng kỹ thuật số và nếu không có các nguồn nguyên liệu này thì phần lớn công nghệ “xanh” sẽ không hoạt động được.
Theo ông Gal Luft - giám đốc Viện Phân tích an ninh toàn cầu (IAGS) ở Washington (Mỹ), Trung Quốc đang kiểm soát 95% sản lượng kim loại hiếm của thế giới. Ông dự báo rằng gần như khắp thế giới, chính sách ngoại giao của các nước, vốn được quy định bởi dầu mỏ trong thế kỷ 20, rồi đây sẽ được quy định bởi các nhu cầu về dysprosium, cobalt và bạch kim. Việc Trung Quốc liên tục gia tăng các biện pháp nhằm hạn chế xuất khẩu đất hiếm - các hạn ngạch sẽ giảm 72% từ nay đến cuối năm - là nằm trong một xu hướng sẽ còn được mở rộng cho các nguyên liệu khác nữa.
“Liên quan đến các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sẽ chẳng có vấn đề thị trường tự do nữa - ông Gal Luft bình luận - Bài học mà các nước cần rút ra là họ phải đa dạng hóa các nguồn cung cấp tài nguyên cho mình”.
Vấn đề các khoáng sản không chỉ giới hạn trong khu vực các ngành công nghệ mũi nhọn nữa. Việc tiếp cận nguồn potasse, một khoáng sản dùng trong sản xuất phân bón cho nông nghiệp, đang có nguy cơ ngày càng trở nên phức tạp hơn, do các hạn chế thương mại và do chính sách kiểm soát tài nguyên thiên nhiên.
Các mỏ phosphate - loại nguyên liệu đã tạo nên “cuộc cách mạng xanh” trong thập niên 1960 - sẽ chóng cạn kiệt, và điều này có thể gây nên “tình trạng khan hiếm nguồn tài nguyên thiên nhiên nghiêm trọng nhất của mọi thời đại”, theo nhận định của các chuyên viên Mỹ và Úc.
Nhà ngoại giao “con thoi” Nhật Bản
Không chỉ riêng Hàn Quốc, các nhà lãnh đạo Nhật vốn trước đây còn bất đồng, nay đã thống nhất nhận thức rõ một nguy cơ tổn thất mới.
Các kim loại hiếm lithium, tantalum, germanium, indium và 17 loại đất hiếm là cực kỳ cần thiết cho các ngành công nghiệp hàng đầu của Nhật Bản: sản xuất hàng điện tử, ôtô có động cơ chạy điện và xăng, và các thiết bị có độ chính xác cao. Có điều việc sản xuất các kim loại này hiện đang do Trung Quốc kiểm soát, một điều bắt đầu gây lo lắng thật sự cho Tokyo.
Từ đầu năm nay, ông Katsuya Okada, ngoại trưởng Nhật, đã liên tục bay đi khắp thế giới. Không thấy ông có mặt ở London, Paris, Berlin hay Bắc Kinh, mà là ở Nam Phi, Việt Nam, Tanzania, Mông Cổ, Kazakhstan và Úc. Thật vậy, Nhật Bản đang chạy tốc lực trong thương thảo với các nước sản xuất các kim loại hiếm trước khi Trung Quốc và Hàn Quốc đặt chân đến.
Ông K.Okada nhìn nhận: “Mới đây thôi Chính phủ Nhật còn cho rằng cứ để cho các lực lượng thị trường chi phối... Thế nhưng, thế giới nay đã cơ bản thay đổi và người ta không thể khoanh tay ngồi nhìn”.