Cứu tinh thầm lặng của vịnh Mexico
Các nhà khoa học Mỹ vừa phát hiện một chủng vi khuẩn ăn dầu mới đang sinh sôi rất nhanh trên vịnh Mexico và giúp tiêu hủy các hạt dầu.
Những con bồ nông trên vịnh Mexico vào ngày 24/8. Ảnh: AP
AP đưa tin các chuyên gia của Trung tâm thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley, Mỹ phát hiện chủng vi khuẩn hấp thụ dầu trong lúc nghiên cứu mức độ phát tán dầu trong các tầng nước sâu của vịnh Mexico sau vụ nổ giàn khoan Deepwater Horizon của tập đoàn BP. Điều khiến họ ngạc nhiên là chủng vi khuẩn này chưa từng được biết tới.
“Phát hiện của chúng tôi cho thấy vi khuẩn có tiềm năng to lớn trong việc giúp con người loại bỏ dầu ra khỏi nước biển”, Terry Hazen, trưởng nhóm nghiên cứu, tuyên bố trên tạp chí Sciencexpress.
Một báo cáo được công bố vào tuần trước khẳng định các nhà khoa học nhìn thấy những giọt dầu nhỏ li ti tạo thành một thứ giống như màn sương mù có chiều dài hơn 35 km dưới mặt biển.
“Chúng tôi nhận thấy sự bành trướng của dầu kích thích sự sinh sôi của một chủng vi khuẩn ưa môi trường lạnh dưới đáy biển. Chúng có quan hệ họ hàng với những chủng vi khuẩn ăn dầu mà chúng ta đã biết”, Hazen phát biểu.
Nhóm của Hazen thu thập hơn 200 mẫu nước tại 17 vị trí dưới tầng nước sâu. Họ nhận thấy chủng vi khuẩn thống trị các mẫu nước có dầu là một loài mới và có quan hệ họ hàng với chủng Oceanospirillales. Chúng sống trong tầng nước sâu gần đáy biển, nơi nhiệt độ trung bình vào khoảng 5oC.
Vi khuẩn mới phát hiện (bên trong vòng tròn đỏ). Ảnh: AP
Giới khoa học lo ngại trong quá trình hấp thụ dầu các chủng vi khuẩn có thể lấy nhiều oxy trong nước biển khiến các sinh vật khác không có dưỡng khí để hô hấp. Nhưng nghiên cứu của Hazen và đồng nghiệp cho thấy vi khuẩn mới không lấy oxy. Độ bão hòa oxy trong nước không có dầu đạt 67%, trong khi độ bão hòa oxy trong nước có dầu là 59%.
Giàn khoan dầu Deepwater Horizon của tập đoàn dầu khí BP nổ tung vào tối 20/4 khiến hàng chục công nhân thiệt mạng. Giếng dầu bên dưới giàn khoan rò rỉ khiến hàng chục nghìn lít dầu thoát ra mỗi ngày. Tập đoàn BP cố gắng bịt miệng giếng rò rỉ bằng nắp đậy nhiều lần, song mãi tới ngày 4/8 họ mới đạt được kết quả mong đợi.
Ngay sau đó Cơ quan Hải dương và Khí quyển quốc gia Mỹ và Cục Địa chất Mỹ tuyên bố đa số dầu trong vịnh đã bị thu hồi, đốt cháy, phân hủy hoặc bay hơi. Tuy nhiên, các nhà khoa học của Đại học Georgia và Đại học Florida tại Mỹ khẳng định 70-79% dầu trên vịnh Mexico vẫn chưa biến mất. Họ cho rằng dầu lắng xuống các tầng nước bên dưới khiến bề mặt vịnh có vẻ sạch hơn.