Đã có cách cứu những thước phim tư liệu
Phim nhựa có thành phần được làm từ chất gelatine và halogen bạc, có độ bắt sáng tối ưu. Nhưng gelatine rất dễ bị phân hủy theo thời gian. Chính vì vậy, những cuốn phim gốc luôn được cất giữ rất cẩn thận.
Các kho phim của Tiệp Khắc hay Thụy Điển thường được xây dựng trên các dãy núi xa trung tâm thành phố, và được ẩn sâu vào trong đất tới 30m, luôn đạt nhiệt độ -50. Theo chuyên gia Thụy Điển, với tiêu chuẩn kho như vậy thì một cuốn phim nhựa mới có thể lưu giữ được 500 năm.
Ở Việt Nam, với điều kiện hiện nay, mỗi cuốn phim của chúng ta chỉ bảo quản được chừng 50 năm.
Viện phim Việt Nam được thành lập từ năm 1979, là nơi sưu tầm, lưu trữ, xử lý các sự cố hình ảnh của những cuốn phim thuộc nhiều thể loại, trong đó có nhiều thước phim quý chưa được công bố rộng rãi. Năm 1997, phòng kỹ thuật ra đời với chức năng chính là xử lý các sự cố về phim như tẩy mốc, xước, lau bụi... cho những cuốn phim tài liệu, tư liệu và phim truyện.
Ban đầu, với những thiết bị thô sơ, chủ yếu phải làm thủ công nên quá trình phức tạp, mất thời gian mà hiệu quả lại không cao. Sau này được đầu tư thêm máy móc hiện đại hơn, nhưng chưa có những phần mềm thích hợp cho công việc này. Trên thế giới cũng có những nhóm nghiên cứu của các nước có nền điện ảnh phát triển (Anh, Mỹ...) đang thử nghiệm nhưng chưa chính thức cho ra đời sản phẩm hoàn thiện mặc dù cũng đã có sản phẩm chạy demo tại Việt Nam.
Thước phim tư liệu trước và sau khi xử lý. Ảnh tư liệu.
Nhìn những cuốn phim quý đang bị cũ dần theo thời gian, anh Đinh Văn Hùng, trưởng phòng kỹ thuật, không khỏi xót xa. Anh luôn trăn trở tìm cách "cứu" phim. Sau nhiều lần nghiên cứu và thử nghiệm, đến năm 2003 anh mới bước đầu tìm được một giải pháp tương đối phù hợp.
Những cuốn phim đã bị mốc, bụi bẩn, xây xước trong quá trình sử dụng, hoặc sau nhiều lần chiếu, rãnh bánh răng bị mòn đi, cuộn phim chạy không đều tạo nên hiện tượng bị rung giật... được chuyển hết sang ổ đĩa máy tính. Hình ảnh động được chuyển thành từng bức ảnh chụp và kỹ thuật viên sẽ xử lý trên từng bức ảnh đó. Nghe qua tưởng như đơn giản, bởi phần mềm photoshop có thể chỉnh sửa các bức ảnh theo ý muốn. Nhưng đây là phim tư liệu nên khi xử lý phải tuyệt đối tôn trọng hình ảnh gốc, không thể lạm dụng kỹ thuật để điều chỉnh ánh sáng, độ nét... làm sai lệnh bối cảnh, không khí tư liệu.... Sang, một kỹ thuật viên tuổi còn rất trẻ đã chia sẻ: "Có những thước phim khi đem ra xử lý, mặc dù xem lại nhiều lần nhưng không lần nào mình cầm được nước mắt, đó chính là những tư liệu ghi lại thời điểm lịch sử của dân tộc hay cả những hình ảnh trong nhà tù của đế quốc Mỹ...”
Anh Hùng cho biết, phòng kỹ thuật đã tẩy mốc, lau bụi, xóa xước và chống rung hình được ba cuốn phim rất giá trị: "Bác Hồ ở Việt Bắc", “Làng hoa ven hồ” và "Ngày độc lập" . Những cuốn phim sau khi xử lý kỹ thuật đã gần như giữ được chất lượng nguyên trạng ban đầu. Tiếp đà thành công, những người ở Viện phim đang có kế hoạch xử lý những thước phim tư liệu về Thăng Long - Hà Nội nghìn năm tuổi để kịp thời mang đến cho nhân dân cả nước những hình ảnh ghi lại ngày tháng đã qua của Thủ đô.