Đặc nhiệm Nga sẽ đội mũ chống đạn làm từ vật liệu tái chế
Với mục đích làm giảm chi phí, mới đây các tổ hợp quân sự Nga đã quyết định sẽ sản xuất các loại mũ chống đạn titan loại dành cho đặc nhiệm Nga bằng titan tái chế.
Theo ông Yevgeny Chistyakov, trưởng phòng nghiên cứu thị trường và thông tin của Viện nghiên cứu thép, việc sử dụng titan tái chế sẽ làm giảm giá thành các loại mũ chống đạn K6-3 hay Altyn xuống còn 40.000 rúp (1270 USD) thay cho mức 70.000 rúp (2.200 USD) nếu dùng titan nguyên liệu chất lượng cao. Qua đó, sẽ trang bị loại mũ này rộng rãi hơn trong các đơn vị đặc nhiệm.
Mũ chống đạn Altyn hay biến thể mới hơn của nó là K6-3 là loại mũ chống đạn tốt nhất của Quân đội Nga thường được trang bị cho các đơn vị thuộc FSB, MVD hay các lực lượng đặc biệt khác.
Tuy nhiên, ngay cả khi số lượng binh sĩ thuộc các đơn vị này ít ỏi, giá thành chiếc mũ cũng thuộc dạng khá đắt để có thể trang bị đầy đủ.
Sở dĩ loại mũ này có giá thành đắt như vậy là do nó được sản xuất chủ yếu từ titan cùng một số thành phần kim loại đất hiếm, mangan, niken, crôm... giúp tăng độ cứng, chống ăn mòn cho mũ.
K6-3 hiện là loại mũ chống đạn tốt nhất của quân đội Nga hiện nay và chỉ sử dụng cho các lực lượng đặc biệt.
Tiến sĩ Valdimir Bazhin, giảng viên môn hợp kim thép tại Đại học Mỏ cho biết nếu để sử dụng làm mũ chống đạn thì titan tái chế, nếu không chứa quá nhiều tạp chất thì không hề kém cạnh so với titan nguyên liệu.
Một chuyên gia khác là ông Sergei Chusov, trưởng phòng thí nghiệm thuộc Viện nghiên cứu thép cho biết titan tái chế chứa một lượng tạp chất oxy, nitơ, carbon làm nó giảm tính chất chịu nhiệt và chống ăn mòn.
Với tính chất này, titan tái chế không thể sử dụng để làm phụ tùng máy bay, tuy nhiên, khả năng chống đạn của nó thì hoàn toàn không bị ảnh hưởng gì. “Quan trọng nhất là loại mũ làm từ titan tái chế đáp ứng mọi yêu cầu kỹ thuật” - ông Chusov cho biết.
Theo ông Chusov, mũ làm từ titan tái chế đã vượt qua được các bài thử nghiệm với đạn súng lục Tokarev và PSM, thỏa mãn tiêu chuẩn chống đạn cấp độ II của tiêu chuẩn Nga.
Thêm vào đó, loại mũ làm từ titan tái chế cũng nhẹ hơn mũ kiểu cũ khoảng 300g. Tổng khối lượng của cả mũ và mặt nạ chống đạn “chỉ có” 3,7kg.
Chuyên gia về vũ khí, Maxim Popenker trả lời phỏng vấn Izvestia cho biết nếu giá thành giảm đáng kể mà chất lượng không thay đổi, vật liệu tái chế sẽ được hoan nghênh để sản xuất mũ chống đạn. Tuy nhiên, ông Popenker cũng nhấn mạnh rằng hiện Mỹ và NATO đã không còn sản xuất mũ từ titan, thay vào đó là các vật liệu nhân tạo như kevlar.
Trên thế giới, titan là một kim loại chiến lược và không có nhiều trong tự nhiên. Đối với Mỹ, do sản lượng titan hạn chế, họ thường phải mua titan của Liên Xô qua các nước thứ ba để chế tạo các linh kiện máy bay chiến ném bom chiến lược.