Đằng sau cơn sốt chơi cây cảnh đắt nhất thế giới
Cách đây một tháng, một tài khoản Reddit đã đăng trên một diễn đàn câu chuyện về mâu thuẫn gay gắt của bà với cô cháu gái 14 tuổi, khiến bà giận sôi máu đến mức phải từ mặt thẳng thừng cô bé.
Theo lời kể, người này phải đi vắng 2 tuần và nhờ cháu gái chăm sóc giúp dàn 35 loại cây cảnh quý hiếm của mình. Để trả công, bà hứa tặng cho cô bé mẫu cành giâm để tự trồng.
Sau khi trở về, bà ngỡ ngàng chứng kiến cảnh tượng "thảm sát" cây kinh hoàng. Tất cả đều bị cắt phá nham nhở. Các loại cây Cebu Blue Pothos (trầu bà xanh), String of Pearls (chuỗi ngọc trai), Ruby Necklace (vòng hồng ngọc), Silver Stripe Philodendron (trầu bà sọc bạc), Golden Pothos (trầu bà vàng)... đều bị phá nát. Người cháu gái đã lấy sạch các loại cành giâm, thậm chí cả kéo tỉa cây.
Tệ hơn nữa, cây Pink Princess Philodendron (trầu bà công chúa hồng) bị cắt chỉ còn 2 chiếc lá, Monstera Albo (trầu bà Nam Mỹ đột biến) chỉ còn 3 chiếc lá.
Nhiều loại cây cảnh ngày càng đắt giá, có thể lên tới hàng nghìn USD. (Ảnh: The Observer).
Khi biết cô bé đã bán hết chỗ cành giâm, người bà suy sụp, giận dữ tột độ. Một số người hẳn đã cho là người bà phản ứng quá đáng với cô cháu ngây thơ mới chỉ mới 14 tuổi.
Tuy nhiên, những người am hiểu trong giới cây cảnh đã phát hiện mọi chuyện cô bé làm không đơn giản như vậy vì có một số loài cây trong đó trị giá hàng nghìn USD. Chẳng hạn như Monstera Albo, giá trị của loài cây này đã tăng vọt trong 2 năm qua; Chỉ riêng một cành chiết đã có giá hàng nghìn USD. Đây không phải sự nhầm lẫn, mà là một vụ trộm cắp có chủ đích.
Cộng đồng Reddit đều đồng ý rằng người bà không sai trong vụ việc này.
Cơn sốt chơi cây hiếm
Brexit, đại dịch Covid-19 và mạng xã hội đã cùng nhau kết hợp tạo ra một cơn sốt mới.
Khi các khu vườn trung tâm đóng cửa vào năm 2020, nhiều chủ vườn ở Hà Lan đã cho ngừng hoạt động sản xuất giống cây cảnh trong nhà trong nhà kính công nghệ cao, gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên toàn thế giới.
Đồng thời, nhu cầu trồng cây trong nhà còn tăng vọt. Chính Brexit đẩy giá cả lên cao, trong khi khủng hoảng năng lượng vẫn tiếp diễn.
Những yếu tố này càng "đổ thêm dầu vào lửa". Trên Instagram, trào lưu khoe ảnh cây đắt tiền được gọi là plant flexing. Những loài cây hiếm, có giá dưới 130 USD từ cách đây 2-3 năm ngày nay có giá tới hàng nghìn USD trong các cuộc đấu giá online.
Năm ngoái, một người New Zealand đã bán được chậu cây Rhaphidophora tetrasperma (còn được gọi là Mini Monstera) nhỏ có 8 lá siêu hiếm với giá 18.000 USD.
Cận cảnh cây Monstera Albo. (Ảnh: Alamy).
Tyler Thrasher, một chuyên gia nhân giống cây trồng ở Mỹ, cho rằng: "Tôi nghe nói những người trồng cây chuyên nghiệp báo giá lên tới 52.000 USD cho một số loại giống. Những loài cây đó thường đắt vì phải nuôi cấy mô trong phòng thí nghiệm".
Giống như các món đồ quý hiếm, các loại cây càng kham hiếm càng có giá cao. Đối với Monstera Albo, sự đắt giá của nó nằm ở những mảng màu trắng loang lổ độc đáo trên lá, hay được gọi là lá lem màu. Tỷ lệ để một cây trầu bà thông thường có khả năng loang màu lá là 100.000:1.
Các giống cây nổi tiếng trên Instagram, đặc biệt là loại trầu bà lá xẻ đột biến Half-Moon (loại cây có lá nửa bên xanh, nửa bên trắng) thường có giá 13.000 USD trở lên trên eBay, Etsy và Facebook Marketplace. Các loại cành giâm của Monstera Albo có giá từ vài trăm tới vài nghìn USD (mặc dù vẫn có rủi ro vì các loại cành giâm từ cây lá lem vẫn có thể mọc ra cây lá thuần màu xanh).
Mặt trái của cơn sốt
Đây được coi là mặt trái của hiện tượng bong bóng: Đầu cơ, lừa đảo và tình trạng tội phạm liên quan đến cây cảnh. Cướp cây có vũ khí, cắt trộm cây trong vườn thực vật. Một số người bán vô lương tâm thậm chí còn sơn lá màu trắng.
Thrasher lần đầu tiên nhận ra vấn đề khi thấy rằng người ta còn bán cả "node" (đốt trên thân) chỉ dài khoảng 2,5 cm có chứa chồi cây thay vì giâm toàn bộ nhằm tối đa hóa lợi nhuận.
Những phần đốt cây này có giá từ 65 USD trở lên. Tuy nhiên, tỷ lệ mọc thành cây của chúng rất thấp so với phương pháp giâm toàn bộ.
Thậm chí một số người còn bán các node không có chồi, không có khả năng mọc thành cây.
Thrasher nhận định: “Họ đang quảng cáo một thứ chỉ có khả năng mọc thành cây. Vì giá của cây trưởng thành là 3.000 USD rất khó bán, nên một lời chào bán node với giá 200 USD sẽ được người mua dễ chấp nhận hơn, mặc dù kết quả là hên xui". Nhiều người mua đã bị lừa bởi mánh khóe này.
Pink princess philodendron có những mảng lá lem màu hồng, nhưng không phải tự nhiên. (Ảnh: Kcrw).
Trên Facebook, người ta còn tung ra Calathea Makoyana Pink Diamond (cây đuôi công lá đốm kim cương hồng) - một biến thể mới của dòng cây này, được quảng cáo có lá lem màu trắng độc đáo, gây xôn xao trên thị trường.
Một cách nhanh chóng, nhà thực vật học Robert McCracken đã lên tiếng: “Tôi chưa bao giờ thấy thiên nhiên tạo ra một sắc độ như vậy, nhưng chắc chắn lá đã bị sơn màu lên một cách tinh vi".
Vào năm 2019, loài Philodendron Pink Congo (cây trầu bà congo hông) trở thành một hiện tượng trên mạng xã hội, được săn đón vì những mảng màu hồng tinh khiết bắt mắt trên lá.
Tuy nhiên, khi đem về trồng, nhiều người đã nhận ra sự khác thường: Những chiếc lá màu hồng tươi bắt đầu phai dần, chuyển sang vàng rồi màu xanh. Ông McCracken khẳng định mẫu cây này không phải là sản phẩm của tự nhiên.
Sau khi nghiên cứu, ông đã biết được người ta đã làm hồng lá của cây trầu bà này bằng cách tỏa một loại khí kích thích đổi màu. Đây là một kĩ thuật được sử dụng trong các tiệc cưới và sự kiện, nhưng chắc chắn đây không phải giống cây mới.
Hậu quả
Tình trạng này xảy ra còn do thiếu quy định. Đối với người chơi cây nghiêm túc, giao dịch không diễn ra thông qua eBay hoặc Etsy, mà thông qua các nhóm trao đổi cây riêng tư trên Facebook, với rất nhiều điều khoản và quy định.
Thậm chí, có những hội nhóm của những người "trộm cây cảnh" - hành vi săn lùng và đào trộm cành giâm từ các vườn ươm và vườn bách thảo. Họ không coi đó là hành vi ăn cắp mà thực sự tự hào về điều đó. Giá trị của hàng trộm được có thể lên đến hàng nghìn USD.
Tiến sĩ Carly Cowell từ Vườn Bách thảo Hoàng gia ở Kew thừa nhận có tình trạng trên và lo lắng về tình hình thương mại không được kiểm soát. Tại Kew, họ có các quy trình kiểm soát nghiêm ngặt để dịch bệnh có hại không lây lan diện rộng cho ngành làm vườn hoặc nông nghiệp.
Nhiều trường hợp cho thấy, những chậu Monstera thông thường được quảng cáo trá hình là loài Monstera Albo, thực chất là bị nhiễm virus khảm nên mới xuất hiện các mảng màu nhạt trên lá.
Kaylee Ellen, một YouTuber chuyên về cây cảnh, người tiên phong chống lại nạn thổi giá, làm giả cây cảnh, cũng là người đã vạch trần vụ cây Philodendron Pink Congo, tuyên bố sẽ tiếp tục nhiệm vụ của mình bằng nhiều video mới.
- Danh sách những cây nhiệt đới khử độc đất hiệu quả, có cả rau má và dương xỉ
- Tìm thấy loài phong lan từng biến mất trong gần một thế kỷ
- Cục trưởng Cục Trồng trọt cho hay: "Bạch hải đường là cây rất bình thường, hãy nhớ bài học lan đột biến"