Đào mỏ đá, thấy thứ quý hơn vàng: "nhà" của sinh vật cổ nhất Trái đất
Marble Bar, địa danh gắn liền với các mỏ thạch anh ở Úc đã cung cấp cho giới khoa học một phiến đá có một không hai: chứa các phân tử hữu cơ nguyên thủy 3,5 tỉ tuổi, chính là nguồn sống của các sinh vật sơ khai nhất Trái đất.
Cận cảnh tảng đá quý giá được khai quật ở Úc - (Ảnh: Nature Communications).
Theo Sci-News, tảng đá được khai quật từ mỏ Dresser, thuộc hệ tầng Dresser của Marble Bar. Theo tiến sĩ Helge Mißbach từ Đại học Cologne (Đức), tác giả chính của nghiên cứu, đây là bằng chứng trực tiếp quý giá cho giả thuyết rằng sự sống nguyên sinh sử dụng các phân tử hữu cơ nhỏ trong đá làm năng lượng sống, giữa một Trái đất sơ khai chưa có những nguồn sống như ngày nay.
Các phân tử hữu cơ này mắc kẹt dưới dạng chất lỏng bên trong khoáng chất barite - vốn thường được liên kết với các thảm vi sinh vật cổ đại. Phân tích dựa trên sắc ký khí - khối phổ, phép đo vi nhiệt, thạch học, phân tích đồng vị ổn định... cho thấy trong đó là các hợp chất khác nhau như hydro sunfua (H2S), carbonyl sulfide (COS), carbon disufide (CS2), mêtan (CH4), axit axetic, sulfan hữu cơ và thiols.
Những hợp chất này vừa là nguồn gốc của vi sinh vật, vừa là sản phẩm phát sinh từ sự sống của các vi sinh vật trước đó. Có thể nói để tồn tại được trên một Trái đất chưa có gì, các sinh vật nguyên thủy này đã trải qua một môi trường sống liên tục được "tái chế".
Ngoài ra, chất lỏng độc đáo trong đá này còn chứa nhiều tác nhân được cho là khởi nguồn của sự sống.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Nature Communications.