Đào móng xây nhà, phát hiện cổ vật khổng lồ kỳ lạ
Cổ vật khổng lồ kỳ lạ được khai quật trên công trường xây dựng ở Trung Java, Indonesia thu hút sự chú ý của các chuyên gia di tích văn hóa.
Theo KK News, cổ vật được các công nhân xây dựng phát hiện trong quá trình đào móng xây nhà trên một khu đất thuộc về một doanh nhân địa phương ở Trung Java, Indonesia tên là Widodo (50 tuổi).
Cổ vật giống một cái vạc sâu lòng khổng lồ. Khu đất này được doanh nhân Widodo mua từ lâu, bỏ trống 3 năm trước khi quyết định xây nhà mới để cho con trai cưới vợ, không ngờ lại phát hiện ra cổ vật lạ.
Người dân hiếu kỳ kéo đến xem cổ vật khổng lồ rất đông. (Ảnh KK News)
Sau khi chiếc vạc khổng lồ được khai quật trên công trường, rất đông người dân hiếu kỳ đã kéo đến xem. Một số trẻ em và người lớn trèo lên chiếc vạc chơi, trong khi những người khác lấy điện thoại di động quay video và chụp ảnh cổ vật.
Những công nhân đầu tiên phát hiện ra chiếc vạc cho biết, khi họ đào xuống đất và đụng phải một vật cứng, ban đầu họ tưởng nó là đá, nhưng sau đó mới phát hiện ra đây là một chiếc vạc khổng lồ.
Người lớn lẫn trẻ em còn trèo vào bên trong chiếc vạc khổng lồ. (Ảnh KK News)
Mọi người có mặt ở hiện trường đã bàn tán sôi nổi về nguồn gốc của chiếc vạc khổng lồ này. Cuối cùng không ai có manh mối nào về nó.
Sau đó, mọi người thông báo với Cục di tích văn hóa và chính quyền địa phương về việc phát hiện ra chiếc vạc. Nhận được tin báo, các chuyên gia nhanh chóng đến hiện trường. Để tránh làm hỏng chiếc vạc khổng lồ, công nhân tạm thời bị đình chỉ thi công.
Các chuyên gia sau đó đo chiếc vạc khổng lồ. Nó cao 1,4 mét, rộng 3 mét và dày 35 cm, cùng lúc có thể chứa 20 người lớn. Tuy nhiên, chiếc vạc này không quá nặng, chỉ cần 4 người lớn là có thể di chuyển nó.
Chiếc vạc khổng lồ được cho là đã vài trăm năm tuổi, được sử dụng trong thời chiến tranh. (Ảnh KK News)
Theo các chuyên gia di tích văn hóa, chiếc vạc được cho là có lịch sử vài trăm năm tuổi. Các chuyên gia phỏng đoán, rất có thể đây là cổ vật còn sót lại từ thời chiến tranh xa xưa. Có thể mảnh đất này từng có một doanh trại quân đội và chiếc vạc là một niêu cơm lớn để nuôi quân.
Mặc dù bị chôn dưới đất và có lịch sử lâu đời như vậy, nhưng nó được bảo quản rất tốt, không hề hư hỏng, chỉ rỉ sét nhẹ.
Các chuyên gia cho biết, chiếc vạc được bảo quản tốt như vậy có thể nhờ vật liệu chế tạo ra nó. Vật liệu đó là gì thì cần phải kiểm tra cẩn thận và kỹ lưỡng hơn.
Các chuyên gia của Cục Di tích Văn hóa đã liên hệ với Widodo, chủ nhân của khu đất và doanh nhân này đã bày tỏ việc sẵn sàng tặng chiếc vạc này cho Cục để nghiên cứu và kiểm tra nguồn gốc của nó.