Đau hông về đêm và những điều bạn cần biết
Đau hông về đêm có thể khiến bạn khó ngủ hơn nhưng hậu quả không dừng lại ở đó. Trằn trọc và xoay người để tìm một tư thế thoải mái hơn khi ngủ kết hợp với việc thiếu ngủ cũng có thể góp phần gây ra các vấn đề về sức khỏe và suy giảm chất lượng cuộc sống.
Đau hông về đêm: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
1. Nguyên nhân gây đau hông về đêm
Khi khớp hông của bạn sưng lên hoặc bị viêm, cơn đau và cứng khớp có thể làm gián đoạn giấc ngủ của bạn. Cơn đau hông mãn tính có thể dẫn đến các triệu chứng nóng rát hoặc đau nhức hay cảm giác như bị kim châm.
1.1. Tư thế ngủ
Những người có tư thế ngủ nghiêng bên trái hoặc bên phải có thể gặp cơn đau hông về đêm do các khớp bị căng thẳng. Hoặc một chiếc đệm quá mềm hoặc quá cứng cũng có thể gây ra điều tương tự.
Hãy thử ngủ ngửa hoặc nếu bạn hay ngủ nghiêng, hãy ngủ về phía không bị đau và đặt một chiếc gối giữa hai đầu gối để giữ cho hông bạn được thẳng hàng.
Tư thế ngủ nghiêng thường xuyên có thể gây đau hông về đêm. (Ảnh: Internet).
1.2. Viêm bao hoạt dịch
Bệnh viêm bao hoạt dịch xung quanh xương hông và các khớp khác là tình trạng những túi nhỏ chứa chất lỏng giúp đệm khớp khi chuyển động (những túi này được gọi là bao hoạt dịch) bị viêm nhiễm.
Các triệu chứng viêm bao hoạt dịch xương hông có thể bao gồm:
- Đau ở phía ngoài hông và đùi trên
- Đau bắt đầu như cảm giác đau nhói, khiến bạn rên rỉ khi vùng đó bị chạm vào và sau đó phát triển thành cơn đau âm ỉ
- Đau khi bạn đứng dậy sau khi ngồi lâu và có thể trở nên tồi tệ hơn khi bạn đi bộ đường dài, leo cầu thang dài hoặc ngồi xổm một lúc
- Đau trở nên tồi tệ hơn vào ban đêm khi bạn nằm xuống hoặc ngủ nghiêng về phía hông bị ảnh hưởng
Người mắc bệnh viêm bao hoạt dịch không cảm thấy đau khi đứng.
1.3. Viêm khớp hông
Viêm khớp hông xảy ra khi sụn và xương bên trong và ở khớp hông bị thoái hóa. Các triệu chứng có thể bao gồm:
- Đau ở hông, mông, đùi và đầu gối
- Cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn khi trời mưa, vào buổi sáng hoặc sau khi nghỉ ngơi hoặc ngồi một lúc
- Đau hông về đêm khiến bạn không thể ngủ được
- Đau hông khi cúi xuống, khi đứng dậy khỏi ghế hoặc khi đi bộ một đoạn ngắn
- Âm thành lạo xạo hoặc răng rắc khi di chuyển.
Ngoài viêm khớp hông thì các loại viêm khớp khác cũng có thể gây đau hông về đêm, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến hay viêm khớp nhiễm khuẩn tại hông.
1.4. Viêm gân hông
Gân giúp gắn cơ và xương để hỗ trợ cho các chuyển động của cơ thể. Khi viêm gân hông xảy ra, bạn có thể gặp các triệu chứng như:
- Đau âm ỉ hoặc đau sâu ở háng, đặc biệt là khi bạn leo cầu thang hoặc đứng lên
- Đau ở mông nếu gân kheo của bạn cũng bị viêm.
Đau hông về đêm có thể khiến nhiều người không ngủ lại được. (Ảnh: Internet).
1.5. Hội chứng cơ hình lê chèn ép thần kinh tọa (Sciatic Piriformis Syndrome)
Là một rối loạn thần kinh cơ do cơ hình lê chèn ép dây thần kinh tọa (còn được gọi là dây thần kinh ngồi hay dây thần kinh hông) được mô tả là cảm giác tê rần từ lưng dưới xuống mông và đôi khi là xuống tới chân và bàn chân.
Nếu gặp hội chứng này, bạn có thể cảm thấy nóng rát ở bắp chân khi bạn cố ngủ. Hoặc cũng có thể là cảm giác đau nhói ở bàn chân khiến bạn tỉnh giấc và không ngủ lại được.
Tình trạng này có thể cải thiện khi thay đổi lối sống như nằm ngửa khi ngủ hay chọn một tấm nệm hoặc gối khác phù hợp hơn.
1.6. Thai kì
Một số thay đổi trên cơ thể của người mang thai ảnh hưởng đến hông, bao gồm phạm vi chuyển động cũng như khả năng gập và duỗi hông do kích thước thai gây áp lực lên cột sống và hông, đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ ba.
Mặc dù chỉ là tạm thời nhưng những thay đổi này ảnh hưởng đến việc đi lại và khả năng vận động cũng như cách các khớp khác (như đầu gối) thẳng hàng với hông. Điều này cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Ngoài những nguyên nhân gây đau hông về đêm kể trên thì có một số nguyên nhân khác như tuổi tác, thừa cân hoặc béo phì, tai nạn hoặc chấn thương, đau đầu gối hoặc đau lưng cũng có thể gây ra tình trạng này.
2. Hướng dẫn kiểm soát cơn đau hông vào ban đêm
Có nhiều lựa chọn khác nhau để kiểm soát và giải quyết cơn đau hông về đêm. Chẳng hạn:
2.1. Ngay lập tức
Nếu cơn đau hông khiến bạn tỉnh giấc, hãy thử những cách giảm đau sau để có thể ngủ lại:
- Thay đổi tư thế ngủ, tránh tư thế khiến cơn đau hông tăng lên hoặc chèn ép lên bên hông bị đau.
- Kê thêm một chiếc gối Nên (wedge-shaped) dưới hông hoặc dùng gối hoặc chăn kê hông thay thế.
- Kẹp một chiếc gối giữa hai đầu gối để giảm căng thẳng cho hông.
- Bạn có thể thử chườm nóng hoặc lạnh hở hông, với cơn đau do sưng tấy thì chườm đá có thể giúp giảm viêm. Còn với cơn đau do viêm khớp, cứng khớp hoặc co thắt cơ, chườm nóng có thể có tác dụng.
- Uống thuốc giảm đau không kê đơn acetaminophen, ibuprofen.
- Bôi kem giảm đau tại chỗ.
Tùy từng tình trạng đau hông về biện pháp kiểm soát và giảm đau cũng khác nhau. (Ảnh: Internet).
2.2. Biện pháp lâu dài
Nếu bạn thường xuyên gặp phải cơn đau hông vào ban đêm, bạn có thể cần những giải pháp để giảm đau lâu dài hơn. Điều kiện tiên quyết là tìm ra nguyên nhân gây đau hông về đêm là gì và điều trị. Các biện pháp lâu dài có thể bao gồm:
- Lối sống:
- Thay một chiếc đệm khác thân thiện hơn với hông và cột sống của bạn, đặc biệt là những người bị viêm bao hoạt dịch ở hông
- Vận động với các bài tập tăng cường sức mạnh cơ lưng hông chẳng hạn như đi bộ, yoga, pilates, tập aerobic,... với cường độ tập tùy theo tình trạng hông của bạn, mang giày dép phù hợp và luôn luôn khởi động và hạ nhiệt đúng cách khi tập
- Tránh ngồi vắt chéo chân trong thời gian dài
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh
- Bạn có thể gặp chuyên gia vật lý trị liệu để mát-xa thư giãn cơ lưng và hông giúp giảm đau hông và nhận hướng dẫn về các bài tập giúp kiểm soát cơn đau.
- Thử một chế độ ăn chống viêm và giàu chất chống oxy hóa để hỗ trợ giảm viêm ở khớp hông.
- Uống thuốc theo đơn của bác sĩ, tiêm corticosteroid có thể giúp giảm đau hông tạm thời nhưng không giải quyết được nguyên nhân gây đau
- Phẫu thuật loại bỏ mảnh sụn hoặc gai xương xung quanh khớp hông
- Tái tạo bề mặt khớp hông bằng cách loại bỏ và thay thế xương bị hỏng trong ổ khớp hông
- Thay toàn bộ khớp hông.
Lưu ý, tùy từng nguyên nhân và tình trạng đau mà biện pháp điều trị cũng sẽ có sự khác biệt. Người bệnh tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ.
3. Phòng ngừa đau hông về đêm
Mặc dù không thể thay đổi một số yếu tố có thể góp phần gây đau hông vào ban đêm, chẳng hạn như nguy cơ liên quan đến tuổi tác hoặc tiền sử gia đình khiến tình trạng tự miễn dịch di truyền có nhiều khả năng góp phần gây ra viêm khớp. Nhưng có một số hành động bạn có thể thực hiện để tránh nguy cơ đau hông, chẳng hạn như:
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh
- Tránh một số môn thể thao hoặc công việc nhất định có thể góp phần gây chấn thương do hoạt động quá mức
- Quản lý các tình trạng sức khỏe tiềm ẩn như bệnh tiểu đường hoặc mức cholesterol cao.
Bạn có thể hạn chế cơn đau hông vào ban đêm bằng cách thực hiện các biện pháp vệ sinh giấc ngủ tổng thể tốt cũng như thực hiện các bước để ngăn ngừa chấn thương hoặc tình trạng nặng hơn ở hông.
Thay đổi lối sống có thể giúp phòng tránh đau hông về đêm. (Ảnh: Internet).
4. Khi nào bị đau hông về đêm cần đi khám?
Nếu cơn đau kéo dài vài ngày và/hoặc khiến bạn không thể thực hiện các công việc bình thường, thì bạn có thể cần gặp bác sĩ, đặc biệt nếu trọng lượng hông trở thành gánh nặng khiến bạn gặp khó khăn khi đi lại và các biện pháp giảm đau hông về đêm không đem lại hiệu quả.
Bạn cũng cần thăm khám sớm nếu khớp hông trông có vẻ bị biến dạng không di chuyển được, đau nhức dữ dội hoặc sưng tấy đột ngột ở hông, sốt, ớn lạnh hay các dấu hiệu nhiễm trùng hông khác.
Để chẩn đoán về chứng đau hông bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện một số chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang hông, chụp MRI để xác định tổn thương khớp hoặc gãy xương,... kèm theo các kiểm tra xem có sưng đau quanh vùng hông của bạn không. Bác sĩ cũng sẽ đánh giá khả năng vận động của khớp đông để tìm kiếm dấu hiệu của viêm khớp hông hoặc viêm gân hông.
5. Kết luận
Đau hông về đêm có thể xảy ra bởi nhiều tình trạng khác nhau. Những nguyên nhân phổ biến bao gồm viêm bao hoạt dịch, viêm khớp, viêm gân, hội chứng đau dây thần kinh tọa do cơ hình lê và thai kỳ. Tình trạng này cũng có thể do tư thế ngủ hoặc do đệm và gối không phù hợp.
Điều trị đau hông về đêm có thể bao gồm thay đổi tư thế ngủ, sử dụng gối giữa các đầu gối để giữ cho hông thẳng hàng và các biện pháp quản lý đau khác như dùng thuốc giảm đau không steroid qua đường uống, tiêm corticoid hoặc điều trị bằng nhiệt hoặc lạnh.
Ngoài ra, giữ vận động nhẹ nhàng trong ngày và duy trì thói quen ngủ tốt có thể giúp cải thiện tình trạng đau. Nếu đau hông làm ảnh hưởng đến giấc ngủ hàng đêm, nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.