Dạy khỉ chơi game
Các nhà khoa học Mỹ đã dạy được một số khỉ đầu chó và khỉ xồm, các loài được xem là kém thông minh nhất, chơi các trò chơi game đơn giản trên máy tính.
Các nhà nghiên cứu đã huy động hai loại khỉ tương đối xa nhau về quan hệ họ hàng là khỉ đầu chó (Papio hamadryas) và khỉ xồm (Cebus capucinus) cùng họ linh trưởng với người vào một loạt nghiên cứu của mình.
Những chú khỉ đó được dạy chơi các trò chơi game đơn giản: chúng phải xác định được các điểm ảnh (pixel) hình vuông, xuất hiện trên màn hình dày đặc ra sao. Với nút bấm, chúng phải chọn chữ S nếu ít hình vuông xuất hiện và chữ D nều nhiều. Nếu chọn đúng khỉ được thưởng một viên kẹo.
Khỉ đầu chó Papio hamadryas.
Chọn sai, chúng không phải phạt nhưng trò chơi bị sẽ ngừng lại vài giây, tương ứng với cơ hội được thưởng kẹo. Các “game thủ” khỉ còn được phép chọn thêm một phương án nữa: chúng có thể không chọn câu trả lời nào và bấm phím “xin hoãn” để bắt đầu trò chơi sau. Điều đáng chú ý là các chú khỉ đầu chó thường từ chối câu trả lời ngay bằng cách bấm phím này.
Trong bài trình bày kết quả nghiên cứu tại Hội nghị phát triển khoa học Mỹ, các tác giả kết luận: khỉ đầu chó biết tính đến các chiến lược giống như các “game thủ” người. Còn khỉ xồm không nghĩ ra được cách khôn ngoan đó nên dù không biết, cứ bấm bừa và cuối cùng được thưởng kẹo ít hơn hẳn.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, chính sự không biết rút ra thế nào là sai lầm là vật cản trong quá trình tiến hoá trí tuệ của loài linh trưởng này. Trong khi đó, khỉ đầu chó nhận ra được sai lầm của mình để tìm cách điều chỉnh.
Rõ ràng là thói quen đó trở thành một trong các yếu tố then chốt để hoàn thiện hệ thần kinh của các loài linh trưởng. Đó là lý do phân hoá chúng về mức độ thông minh và kết quả là loài người Homo sapiens vượt trội hẳn lên thành một loài có trí tuệ siêu việt. Như vậy, con đường tiến tới trí tuệ bắt đầu từ điều đơn giản nhất là “đánh giá được các tác động để sửa chữa các sai lầm”.
Những thí dụ như vậy rất nhiều và tất cả đều nói lên rằng các hành vi của loài linh trưởng khá phức tạp và những thay đổi không xuất hiện ngay trong quá trình tiến hoá. Những thí nghiệm về dạy khỉ các trò chơi trên máy tính cũng chứng tỏ chúng rất tò mò. Khỉ xồm tỏ ra không mong muốn chơi game tiếp, song khỉ đầu chó lại rất thích thú.
Những con khỉ này không phái các loài linh trưởng đầu tiên nắm được cách sử dụng một đồ vật có ích trong đời sống là máy tính. Rất nhiều khán giả truyền hình đã từng xem tại Vườn thú Atlanta có hai con đười ươi (Pongo pygmaeus) giải trí với các bảng cảm biến của một chiếc máy tính đặc biệt và gõ phím thành thạo.
Chúng nắm được một số trò chơi khác nhau giống như các trò dành cho trẻ em 3 - 4 tuổi, tìm những hình vẽ giống nhau hoặc tìm xem con vật nào có tiếng kêu như thế nào khi phát ra âm thanh tương ứng.
Những trò chơi khác dạy vẽ và đười ươi đã vẽ được các hình vuông, hình tam giác, hình thoi, hình tròn… Những ngườiphụ trách vườn thú cho biết chúng rất thích chơi game và hàng ngày chờ đợi người ta mang máy tính đến cho chúng.
Có những trò chơi chúng còn học nhanh hơn và tốt hơn cả con người. Ví dụ tại Viện linh trưởng học y học (Institute of medical Primatology) ở Sochi, một số khỉ vàng (Macaca mulatta) được dạy và chơi rất giỏi trò chơi mà các nhà lập trình đã nghĩ ra cho chúng: theo dõi các mục tiêu chạy trốn mà độ phức tạp chia thành 1500 mức khác nhau.
Điều thú vị là, trong một dịp các phóng viên đến thăm viện để viết bài, một phóng viên thi với khỉ. Anh ra “thở hắt ra” ở mức thứ 40 thì một chú khỉ đã bấm chuột không hề mệt mỏi, thậm chí chú còn giải mã được cả thuật toán, để đi thẳng đến kết quả, nghĩa là đạt đến mức 1500. Nhà báo thua cuộc không hề cảm thấy mình bị xúc phạm. Thậm chí trong bài tường thuật, anh còn đề nghị thành lập cho chú khỉ này một xưởng sản xuất các đồ chơi trắc nghiệm.